Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 (từ ngày 1 đến 15-5) đạt 31,9 tỉ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 2,29 tỉ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4.
Thị trường phục hồi tốt
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-5 đạt 270,82 tỉ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 38,87 tỉ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trong nửa đầu tháng 5 đạt 14,64 tỉ USD.
Như vậy, tính đến hết ngày 15-5, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 138,59 tỉ USD, tăng 16,1%, tương ứng tăng 19,17 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,16 tỉ USD, tương ứng tăng 34,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,87 tỉ USD, tương ứng tăng 12,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,45 tỉ USD, tương ứng tăng 7,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,27 tỉ USD, tương ứng tăng 64,6%... so với cùng kỳ năm 2023.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết trong 4 tháng đầu năm có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất trên 5 tỉ USD, chiếm 57,8%. Hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm đều có sự phục hồi tốt và đạt tăng trưởng cao.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 34,12 tỉ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỉ USD; thị trường EU ước đạt 16,35 tỉ USD…
Theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ thuận lợi là các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023.
Về khó khăn, đó là sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Bức tranh vẫn là tích cực
Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài để khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Liên quan đến thông tin Việt Nam bất ngờ nhập siêu hơn 2,6 tỉ USD trong 2 tuần đầu của tháng 5, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định cần theo dõi kỹ diễn biến thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu ở thời điểm hiện tại và thời gian tới. Số liệu nhập siêu trong 2 tuần chưa nói lên điều gì, bởi quý I thặng dư thương mại khả quan và trong 4 tháng đầu năm tiếp tục xuất siêu 8,4 tỉ USD vẫn giúp bối cảnh từ đầu năm đến nay là tích cực.
"Những đơn hàng của các doanh nghiệp đã ký vào quý I sẽ giao hàng vào quý III hoặc cuối năm, góp phần hiện thực hóa doanh số đem về nguồn ngoại tệ. Bức tranh cả năm vẫn là tích cực cùng nhịp phục hồi của kinh tế Việt Nam và quốc tế" - TS Hiển nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - phân tích dữ liệu xuất nhập khẩu trong khoảng 2 tuần thường sẽ là tạm thời và sau đó có thể có sự điều chỉnh dựa trên thực tế. Bởi hoạt động của các doanh nghiệp sẽ mang yếu tố mùa vụ, phụ thuộc đơn hàng sản xuất nên cần nhìn dài hơi hơn.
Cụ thể, nếu tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 6,36 tỉ USD, thấp hơn con số 6,9 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là tích cực. Quý I, kinh tế Việt Nam thể hiện đà tăng trưởng và khả năng phục hồi tích cực, trong đó phải kể đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ. Xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại.
Dù vậy, các chuyên gia của Ngân hàng UOB Việt Nam cũng đề cập thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu cần lưu ý là xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hằng năm có thể khiến cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại cho cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Phải khơi thông dòng vốn
Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết hoạt động xuất nhập khẩu ở tỉnh này có nhiều thuận lợi, từ đầu năm đến nay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ... đều có mức tăng đóng góp chung vào tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 10,954 tỉ USD, tăng 15,6% so cùng kỳ (riêng tháng 4 đạt 3,078 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 2,062 tỉ USD, tăng 16,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 8,891 tỉ USD, tăng 15,3 %.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, sản phẩm gỗ và ngành sản xuất gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương và đang hồi phục mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 1,954 tỉ USD, tăng 28,3 % so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 17,8 % kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu vẫn chủ yếu là Mỹ chiếm 82,6% tổng số, tăng 28,8% so cùng kỳ. Tiếp theo là dệt may, giày da, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất - nhập khẩu tỉnh Bình Dương, nhìn nhận bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý và truyền thống từ trước đến nay của Bình Dương thì một yếu tố quan trọng nhất đó là lãnh đạo tỉnh rất cầu thị.
Ông Xô dẫn câu chuyện khi thị trường xuất khẩu khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có những bữa cùng ngồi ăn sáng với các doanh nghiệp trong hiệp hội để tìm ra các quyết sách, hay chính xác hơn là tìm ra "điểm đen" để lãnh đạo có ý kiến chỉ đạo ngay. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như các kiến nghị của doanh nghiệp.
Để giữ vững đà tăng trưởng, ông Xô kiến nghị cần có chính sách nới lỏng chi phí về logistics, chi phí sản xuất… Quan trọng nữa là phải khơi thông được dòng vốn. Hiện nay, lãi suất vốn vay có giảm nhưng điều kiện để vay thì rất khó, doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Bên cạnh đó là một số khó khăn về hoàn thuế VAT, quản trị rủi ro trốn thuế…
Tín hiệu tích cực thấy rõ
Theo ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital - bức tranh xuất khẩu được dự báo sẽ có những bước tiến tích cực hơn rất nhiều so với năm ngoái. Hiện lượng hàng tồn kho từ các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đối với sản phẩm của Việt Nam đã giảm nhiều và họ phải tăng đặt hàng. Đơn đặt hàng tăng trở lại trong khoảng 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng sản xuất đủ tới quý III.
Kịp thời có chính sách hỗ trợ tốt
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da - Túi xách tỉnh Bình Dương, cho biết xuất khẩu của Bình Dương đã có lợi thế từ cách đây 20 năm nhờ có cơ sở hạ tầng đồng bộ, gần sân bay, cảng biển và chính quyền năng động, sâu sát…
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lúc này tỉnh đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ rất tốt, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh hỗ trợ tiền phòng trọ, kinh phí cho công nhân quay trở lại làm việc. Với doanh nghiệp, thị trường trước đây chủ yếu hướng đến các "ông lớn" như Mỹ, EU, nhưng khi các thị trường này đóng băng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có hướng đi mới là tìm thị trường ngách như Iran, Iraq, Ấn Độ... thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư và đã thành công.
"Sau khi chuyển đổi thị trường truyền thống sang thị trường ngách thì doanh nghiệp trong ngành giày da cũng đã có hướng đi tốt hơn. Thay vì chỉ gia công cho các nhãn hàng lớn như trước thì giờ họ đã có thể tự thiết kế, gia công và chấp nhận những đơn hàng nhỏ" - ông Vũ nói.