Cơ hội cho nhạc Việt khi hợp tác toàn cầu

Admin

Xuất khẩu nghệ sĩ, nhập khẩu fan - đó là sứ mệnh của những cuộc hợp tác toàn cầu của ca sĩ Việt với tham vọng "đưa nhạc Việt ra thế giới"

Thời gian gần đây, sự hợp tác giữa ca sĩ trong nước và quốc tế trở thành xu hướng, thậm chí bùng nổ ở thị trường nhạc Việt. Đó là hành trình thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nền nhạc Việt với vai trò đại sứ kết nối giữa nhiều nền văn hóa trong và ngoài nước.

Xu hướng tất yếu

"Flexible" là EP đầu tiên trong sự nghiệp của Chi Pu, gồm 3 ca khúc "Modern Medusa", "Waste Time", "Drive Slow" kết hợp với các nghệ sĩ thế giới. Không khó để thấy tham vọng hướng đến thị trường âm nhạc quốc tế của Chi Pu với sản phẩm tiếng Anh của mình. Chi Pu đã kết hợp cùng nghệ sĩ Thái Lan và ê-kíp đa quốc gia để hoàn thành EP. Cả 3 ca khúc trong EP đều được sáng tác và sản xuất bởi RYCE Entertainment - công ty quản lý của Chi Pu tại Trung Quốc.

Trong quá trình thực hiện EP "Flexible", Chi Pu đã bay sang Trung Quốc để thu âm và làm việc cùng ê-kíp cho đến khi mọi sự hoàn thiện. Ê-kíp gồm những cái tên nổi bật như: QSTNMRKS, producer tham gia sáng tác cho Sáng Tạo Doanh 2024, Boysplanet 2023; Daryl K, một thành viên của Team Wang, đồng hành cùng ngôi sao Jackson Wang trong nhiều dự án lớn; Pink Slip, producer - nhạc sĩ với hơn 1 tỉ lượt stream trên Spotify, cũng là người sáng ca khúc "The Weekend" của ca sĩ BiBi xứ Hàn; các nhạc sĩ Rachael Chevlin (từng hợp tác với các nhóm nhạc K-pop như Red Velvet, Kep1er, nữ ca sỹ HeeJin), Jesse Bluu (từng hợp tác với JungKook, Rosé)... 

Ê-kíp ghi hình MV "Modern Medusa" là DOVES MEDIA LABS - đơn vị chuyên nghiệp, từng hợp tác với Nike, 88Rising, Rich Brian China Tour...

Vẫn là những dòng nhạc quen thuộc như pop, dance, R&B nhưng cách phối nhạc hiện đại, độc đáo mang đến cho "Flexible" những "hương vị" mới mẻ, tạo ấn tượng không chỉ với khán giả quê nhà mà còn tiệm cận với những xu hướng âm nhạc đang "làm mưa làm gió" trên thị trường quốc tế. 

Đặc biệt, ca khúc "Waste Time" của Chi Pu có sự góp giọng của Gavin:D - rapper điển trai đến từ Thái Lan. Anh có hơn 1 triệu lượt người nghe hằng tháng trên Spotify, hơn 1 tỉ lượt xem trên YouTube, sở hữu nhiều MV trăm triệu view cùng nhiều bản hit được yêu thích như: "A rocket to the moon", "Ruk dai pow"...

Trước đó, hooligan. (tên thật là Lê Công Thành, được biết đến qua chương trình "Bài hát hay nhất phiên bản Big Song Big Deal") tạo ấn tượng với album "EPIC" gồm những ca khúc bằng tiếng Anh. 

"EPIC" được "thành hình" bởi đội ngũ sản xuất âm nhạc chất lượng: nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu, Sync Project - nhóm sản xuất đã hợp tác với các nghệ sĩ K-pop hàng đầu như Epik High, Tablo, Gary, Lee Hi, Yoonha… và kết hợp phần sáng tác cùng những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới indie như Minh Đinh, Alterboi, Minsicko, LyHan…

Trong đó, bassist Kim Ki Wook từng tham gia vào các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ K-pop như BTS, Apink, Kyuhyun (Super Junior), GFriend, Chen (EXO) và hiện đang hoạt động như một band-leader cho tất cả các buổi diễn của "nhóm nhạc toàn cầu" BTS.

Ca khúc "Die Alone" là sản phẩm hợp tác của Hoaprox (tên thật Nguyễn Thái Hòa) với K-391 và Nick Strand - thành viên nhóm Seeb. K-391 sở hữu nhiều bản nhạc quen thuộc với khán giả Việt như: "Summertime", "Ignite", "Lily" hay "End of time". Trong khi đó, Nick Strand là chủ nhân của hit "I took a pill in Ibiza" có 1,8 tỉ lượt nghe trên Spotify.

Từ năm 2020, Hoaprox đã bắt tay với 2 nhà sản xuất người Na Uy là Nick Strand và Mio. Họ ra mắt MV "With you" gây bùng nổ cộng đồng EDM Việt Nam. Hoaprox cũng là chủ nhân bản hit "Ngẫu hứng", thu hút hàng tỉ lượt stream trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc. 

Ê-kíp tham gia "Die Alone" còn có nhạc sĩ Erik Smaaland - người viết lời cho nhiều ca khúc của Alan Walker và các nhà sản xuất EDM. Theo Hoaprox, hơn 10 nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh và ca sĩ tham gia thực hiện "Die Alone".

Cơ hội cho nhạc Việt khi hợp tác toàn cầu- Ảnh 1.

Chi Pu ấn tượng với EP “Flexible” khi hợp tác với ê-kíp ngoại (Ảnh: LÊ NHƯ)

Cơ hội cho nhạc Việt khi hợp tác toàn cầu- Ảnh 2.

Cơ hội nào cho nhạc Việt

"Bống là ai?" gồm nhiều giai điệu quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với âm hưởng văn hóa Pháp. Đây là dự án được ấp ủ từ lâu của Hồng Nhung để tưởng nhớ 22 năm ngày mất của nhạc sĩ. Khán giả sẽ được thưởng thức 20 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phối theo phong cách blue jazz do ca sĩ Hồng Nhung và nhiều nghệ sĩ quốc tế trình diễn.

Cùng với đó, cô cũng sẽ ra mắt 1.000 đĩa than "Bống là ai" gồm 8 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hòa âm bởi chuyên gia âm thanh nổi tiếng người Mỹ Mark Levinson. Trong đó, 2 ca khúc "Bống Bồng ơi" và "Như cánh vạc bay" được chuyển thể sang tiếng Pháp do nữ ca sĩ Pháp Clara Simonovier thể hiện.

Chi Pu chia sẻ: "Việc biểu diễn với tư cách nghệ sĩ Việt cho các khán giả nước bạn là một vinh dự lớn nhưng sẽ càng vinh dự hơn khi tôi có thể chinh phục họ bằng tác phẩm của mình. Tôi đã và sẽ luôn làm việc thật chăm chỉ để tạo ra những thành quả mà mình có thể tự hào nói rằng nó đến từ một nghệ sĩ Việt Nam". 

Khi hợp tác với huyền thoại thế giới Kitaro (Nhật Bản) để thực hiện "Chân trời rực rỡ", ca sĩ Hà Anh Tuấn bảo rằng anh hạnh phúc khi được bắt tay cùng huyền thoại để tạo nên những sản phẩm chất lượng.

Việc những sản phẩm hợp tác có thể biến giấc mơ nhạc Việt ra thế giới hay không, không quan trọng bằng việc ca sĩ Việt đang tạo nên những sản phẩm âm nhạc chất lượng, giá trị và tiệm cận với thế giới. 

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh khẳng định: "Nghệ sĩ Việt rất giỏi, họ có đầy những năng lượng tươi mới, sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Trong những cuộc hợp tác với nghệ sĩ ngoại, nghệ sĩ Việt cũng được họ thừa nhận và đánh giá cao về năng lực.

Việc hợp tác với đối tác nước ngoài là cách làm hay để ca sĩ Việt tìm ra điều mới mẻ trong bối cảnh thị trường âm nhạc trong nước cạn ý tưởng". 

Trong khi đó, ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ: "Điều tôi muốn làm là chinh phục khán giả trong nước. Với tôi, được họ đón nhận, thế là đủ".

Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều ca sĩ khi quyết định bắt tay với ê-kíp ngoại. 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, với việc tổ chức các hoạt động, lễ hội giao lưu văn hóa, âm nhạc, liên kết đào tạo... để dần tạo lập thị trường quốc tế cho âm nhạc Việt Nam. Năm 2024 được kỳ vọng là năm bùng nổ của nhạc Việt trên sân chơi toàn cầu với hy vọng chinh phục ngày càng nhiều khán giả quốc tế.