Sáng nay 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hội nghị do Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Trình bày báo cáo tóm tắt về công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2021 và 8 tháng năm 2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Từ khi vận hành đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129,6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt hơn 2.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn thẳng thắn cho hay công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành còn những tồn tại, hạn chế. TTHC trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...
"Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu. Cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ việc cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30-9 hằng năm. Trong quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải tham khảo, lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu, đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.
Thủ tướng đề nghị đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%; hướng tới hầu hết các dịch vụ công phải được thực hiện theo phương thức "3 không", gồm không giấy tờ - không tiền mặt - không văn phòng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phần mềm chế độ báo cáo ; yêu cầu đến cuối tháng 6-2023, tỉ lệ hồ sơ xử lý công văn giấy tờ trực tuyến ở các bộ, ngành và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...