Hoa quả nhập Trung Quốc: ‘Không nên tin những đồn đoán thất thiệt’

Admin

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - khẳng định hoa quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam không đáng lo về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như áp lực cạnh tranh. Người tiêu dùng không nên tin những đồn đoán thất thiệt.

Hoa quả nhập khẩu Trung Quốc ra sao?

Trên thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại hoa quả mới nhập khẩu từ Trung Quốc như: Hồng thạch trân châu, đào tuyết Lệ Giang, táo cherry, nho sữa, hồng táo… với giá cả khá cạnh tranh.

Trước đây hoa quả nhập khẩu thường bán ở các cửa hàng, siêu thị lớn, nhưng 1-2 năm gần đây, hoa quả nhập khẩu không chỉ được bày bán ngoài chợ truyền thống mà còn được chào bán online trên các trang mạng xã hội với giá rẻ hơn tại cửa hàng. Hoa quả Trung Quốc cũng được bán rẻ hơn 10-30% so với hàng cùng loại nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Khảo sát trên thị trường, hồng thạch trân châu là loại quả mới xuất hiện trên thị trường từ đầu tháng 10, đang được bán với giá từ 60.000 - 120.000 đồng/kg. Táo cherry đang được bán với giá từ 80.000 - 150.000 đồng/kg. Đào tuyết Lệ Giang bán với giá dao động từ 70.000 - 110.000 đồng/kg, có loại giá lên tới 170.000 đồng/kg. Nho sữa được bán phổ biến với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí, có loại giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hồng táo Trung Quốc từ vài năm nay đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam và đang được bày bán với giá trên dưới 90.000 đồng/kg, tương đương 50-60% giá các loại táo ngoại nhập khác.

Hoa quả nhập Trung Quốc: ‘Không nên tin những đồn đoán thất thiệt’- Ảnh 1.

Táo nhập từ Trung Quốc (ảnh: Zingnews.vn)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng giá trị nhập khẩu rau quả 10 tháng năm nay đạt 1,87 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu tới 0,8 tỷ USD rau quả Trung Quốc, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặt khác, tổng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng năm nay đạt 6,34 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 3,8 tỷ USD rau quả sang Trung Quốc, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy cán cân thương mại về xuất nhập khẩu hoa quả với Trung Quốc 10 tháng đạt giá trị thặng dư lên tới 3 tỷ USD.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết: “Việt Nam cùng một số nước trên thế giới đã ký hiệp định về trao đổi nông sản như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), vì thế việc mở cửa nhập khẩu các sản phẩm nông sản nước ngoài là điều bình thường. Dù nhập khẩu nhiều nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất siêu hoa quả, lượng hoa quả nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam mặc dù tăng về sản lượng nhưng chỉ góp phần làm phong phú hơn về lựa chọn cho người tiêu dùng, không gây áp lực cạnh tranh cho hoa quả nội địa".

“Những hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc đều là những cây có nguồn gốc ôn đới, còn trái cây trong nước thuộc họ nhiệt đới. Khi mới nhập khẩu được nhiều người lựa chọn mua sắm, nhưng không thể cạnh tranh được với các loại hoa quả lâu đời trong nước như chuối, dưa hấu, sầu riêng, thanh long...”, ông Nguyên cho biết thêm.

Kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm

Trước thông tin phát hiện chất độc hại trong nho sữa Trung Quốc nhập khẩu vào Thái Lan khiến nhiều người lo lắng, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các loại hàng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam đang được kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) rất chặt chẽ theo quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ ban hành.

Bên cạnh công tác kiểm tra ATTP đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hằng năm, Cục BVTV thường xuyên thực hiện Chương trình giám sát ATTP đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV. Vì thế người dân có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng ATTP trên các loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định: “Hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc không đáng lo, không nên tin vào những đồn đoán thất thiệt bởi hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm duyệt rất kỹ. Sản phẩm hoa quả Trung Quốc đang ngày càng được nâng cao hơn về chất lượng.

Doanh nghiệp trồng trọt của Trung Quốc dù đem hàng đi tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều phải khai báo mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Trước khi vào thị trường Việt Nam, các loại hoa quả đều được Cục BVTV kiểm định, kiểm duyệt kỹ càng. Vì thế người dân không nên lo lắng mà cần theo dõi thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng của Việt Nam”.