Chi tiền tỷ nhưng ngày càng vắng khách
Ngày 28/7, tại Tp.HCM, hội thảo Giải pháp phát triển vận tải khách công cộng được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn để thảo luận, trao đổi chính sách về phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường.
Hội thảo cũng kỳ vọng góp phần tạo nhận thức và sự đồng thuận trong dư luận xã hội về lợi ích của vận tải hành khách công cộng và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát triển xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ đó tạo ra sự thay đổi trong thói quen đi lại của người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa đang tạo áp lực rất lớn với giao thông.
Phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ, ùn tắc, mất an toàn... đang là những bài toán cần lời giải và là bức xúc lớn của người dân. Trong bối cảnh đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại các đô thị ở Việt Nam, phương thức vận tải hành khách công cộng chủ yếu là bằng xe buýt. Tp.Hà Nội, đã có thêm hai phương thức vận tải khối lượng lớn là xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị.
Còn ở Tp.HCM, theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tuy vậy, cho đến khi hệ thống tàu điện trên cao, metro được đầu tư đồng bộ, thì xe buýt vẫn luôn là giải pháp quan trọng nhất để giải bài toán giao thông công cộng tại các đô thị.
Toàn quốc hiện có 56/63 tỉnh thành đã tổ chức khai thác trên 700 tuyến buýt, trên 11.000 phương tiện buýt các loại với tổng chiều dài các tuyến vận tải hành khách công cộng lên đến trên 23.000km.
Tp.Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm ngân sách chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt bằng hình thức trợ giá từ nhà nước trực tiếp (tại Hà Nội là 114 tuyến và tại Tp.HCM có 101 tuyến có trợ giá). Các tỉnh thành phố còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến.
Mặc dù trung tâm vận tải hành khách công cộng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đều có những giải pháp để cải thiện chất lượng, đổi mới phương tiện, thay đổi cung cách phục vụ của nhân viên… nhưng sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm.
Xây dựng quy hoạch tổng thể, toàn diện
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, TS.Lê Đỗ Mười – Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, trong khi chờ đợi quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đô thị mang tính dài hạn và khả thi hơn từ các cơ quan liên quan thì cần một số giải pháp trước mắt.
Đầu tiên là tăng cường quản lý bằng các biện pháp cụ thể, như: rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị; bố trí hợp lý giao thông tĩnh kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông;…
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách công cộng. Do đó, cần có quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đúng đắn để việc đầu tư có hiệu quả và bền vững.
Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và bảo đảm cạnh tranh có kiểm soát, trên cơ sở bài học điển hình đầu tư buýt điện của Vinbus được dư luận đồng tình, ủng hộ cao.
Còn ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp.Hà Nội nêu ý kiến về việc tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phụ vụ của mạng lưới tuyến để hợp lý hóa lộ trình; mở rộng vùng phục vụ; kết nối với hệ thống BRT và đường sắt đô thị và mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư…).
“Trong công tác kiểm tra giám sát, mạng lưới vận tải hành khách công cộng cần đa phương thức thanh toán, đảm bảo yêu cầu thuận tiện, liên thông cho hành khách và hỗ trợ cho quản lý doanh thu và quản lý vận hành”, ông Phương đề xuất.