Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Nguy cơ 'tắc' đến hết năm

Admin

Trung Quốc vừa tiếp tục đóng một số cửa khẩu khiến nhiều loại nông sản của Việt Nam đang đến vụ thu hoạch có nguy cơ “tắc” đầu ra. Doanh nghiệp và người dân phải kêu cứu khẩn cấp.

Cửa khẩu đóng mở thất thường

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong cho biết, công ty ông và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dừa trên địa bàn vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp tới UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ dừa sang thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi, châu Âu...

Theo ông Thuật, Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, lượng dừa khô xuất khẩu của công ty sang thị trường này giảm gần 80%, còn sản phẩm xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. “Nếu như trước đây giá bán dừa khô từ mức 6.500 đồng/trái trở lên, nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/trái. Giá dừa giảm mạnh khiến thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ sở cũng ngừng thu mua hoặc thu mua ít khiến lượng dừa khô tồn đọng rất nhiều và có nguy cơ bị hư hỏng, mất trắng”, ông Thuật cho hay.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Nguy cơ tắc đến hết năm - Ảnh 1.

Nhiều DN xuất khẩu dừa tại Bến Tre vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm từ cây dừa

Theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, dù dừa là một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các tỉnh phía Nam nhưng đến nay vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong bối cảnh sản lượng dừa sắp thu hoạch lớn, việc các cửa khẩu đóng mở thất thường khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này chắc chắn gặp khó khăn.

Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (đơn vị chuyên xuất khẩu mít, khoai lang, chuối sấy) chia sẻ, chưa giai đoạn nào, DN xuất khẩu nông sản gặp khó khăn như hiện nay vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Ngay cả khi có đơn đặt hàng, DN vẫn lo sốt vó vì cửa khẩu đóng mở thất thường kéo theo hàng hóa vận chuyển thường xuyên bị kẹt, ùn tắc.

“Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, chi phí vận chuyển đang ăn hết lợi nhuận của DN, nhiều chuyến hàng chúng tôi xuất khẩu không được đành chấp nhận lỗ, quay về bán ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, không dễ để người tiêu dùng trong nước tiếp cận, biết đến”, ông Vân nói.

Theo ghi nhận, hiện ở cửa khẩu Lào Cai, chính quyền tỉnh Vân Nam đã khôi phục thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu, nhưng vẫn dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài...). Việc này dẫn tới lượng hàng hóa dồn về các cửa khẩu của Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu, trong khi năng lực thông quan các cửa khẩu đường bộ tại đây chưa cải thiện.

Ông Hà Đức Thuận - Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, sau thời gian thí điểm nhập khẩu trái cây Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, ngày 4/7, phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do phát hiện virus SARS-CoV-2 trong hàng hóa từ Việt Nam xuất sang.

“Hiện phía Trung Quốc chưa thông báo thời gian mở cửa trở lại nên Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai khuyến cáo các DN tạm dừng đưa hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản lên cửa khẩu”, ông Thuận cho hay.

Dự báo xuất khẩu rau quả giảm mạnh

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 6 đạt 241,8 triệu USD (giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,7 tỷ USD (giảm 17%). Trong đó giảm sâu nhất là thị trường Trung Quốc, với hơn 30%.

Theo ông Nguyên, dự báo xuất khẩu rau quả còn gặp nhiều khó khăn vì khả năng Trung Quốc chỉ gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” từ cuối năm 2022.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết chặt việc kiểm tra, kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu, các DN xuất khẩu rau quả cần chủ động khai thác các thị trường mới, tăng cường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Mỹ…

Theo ông Trung, một tin vui đối với xuất khẩu rau của Việt Nam là ngày 11/7, sầu riêng của Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

Ngoài ra, từ đầu tháng 7, chanh leo của Việt Nam được đưa vào danh sách các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch (sau thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt). Trước mắt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

“Các DN cần nắm bắt thông tin, quy định và có kế hoạch đưa hàng lên cửa khẩu hợp lý. Đặc biệt, DN và người dân cần chú ý các quy định về vùng trồng, điều kiện xuất khẩu, quy định về cơ sở đóng gói… rất chặt chẽ mà phía bạn vừa đưa ra, tránh tình trạng vi phạm ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu”, ông Trung cho hay.

Hàng trăm hộ đăng ký xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, có 12 doanh nghiệp và HTX với diện tích hơn 809ha và 310 nông hộ đăng ký cung cấp thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói, mã số xuất khẩu…, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để được xuất sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Lâm Đồng có khoảng 11.200ha sầu riêng, đạt sản lượng hơn 75.500 tấn. Tỉnh đã xây dựng thương hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai" nổi tiếng, nhưng từ trước đến nay chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nguyên nhân, sầu riêng vẫn chưa có trong danh mục nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc. Muốn xuất khẩu loại trái cây này, nhiều doanh nghiệp phải ủy thác qua các doanh nghiệp khác tại Thái Lan, Indonesia... dẫn đến chi phí, giá thành xuất khẩu tăng cao.

Kim Anh