Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị…, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/7/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đón 3,98 tỷ USD vốn FDI, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới từ đầu năm. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm đạt 11,57 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm.
Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được coi là cơ hội “đổi đời” với nhiều doanh nghiệp trong nước. Một khi đã chứng minh được năng lực, họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho NĐTNN, và/hoặc cung cấp các dịch vụ như dịch vụ y tế, cung ứng bao bì, logistics….
Cái tên điển hình nhất phải kể đến là CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) với hoạt động xử lý chất thải.
Thuận Thành EJS
Thuận Thành EJS được thành lập vào ngày 29/4/2009, đóng trụ sở tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sự ra đời và hình thành của Thuận Thành EJS gắn với doanh nhân Vũ Văn Đắc (SN 1966). Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cổ phần chi phối ông sở hữu tại doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến hiện tại, vốn điều lệ Thuận Thành EJS đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Thoa (5%) và ông Nguyễn Trọng Khánh (40%) - doanh nhân từng được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết: Từ kĩ sư Toyota đến nhân vật bí ẩn tại Thuận Thành EJS .
Cái tên Thuận Thành của doanh nghiệp cũng mang nhiều ý nghĩa. Nên biết, Thuận Thành EJS (từ năm 2019) là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý 100% rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Mặt khác, số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Thuận Thành EJS xử lý 100 - 105 tấn rác.
Dù vậy, như đã biết, Thuận Thành EJS khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực xử lý rác thải cho các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Thuận Thành EJS đã giúp đối tác lớn Samsung Việt Nam giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Việc nhận được sự tin tưởng của ông lớn FDI số 1 Việt Nam phần nào cho thấy năng lực của Thuận Thành EJS, cũng như giới chủ công ty này.
Không chỉ Samsung, Thuận Thành EJS còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp FDI khác trong lĩnh vực xử lý rác.
Theo đó, Thuận Thành EJS và JFE Engineering Corporation (Nhật Bản) vào tháng 12/2020 đã thành lập CTCP TNHH Năng lượng xanh T&J (T&J) với tỷ lệ vốn 60:40. Được biết, T&J là chủ đầu tư nhà máy xử lý chất rắn sinh hoạt công nghệ cao (Bắc Ninh), với quy mô 4,8ha, tổng vốn đầu tư 1.348 tỷ đồng, công suất xử lý chất thải rắn tối đa 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện từ 11 – 13 MW, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý 4/2023.
Cũng liên quan đến dự án này, International Finance Corporation (IFC), thành viên thuộc World Bank, hồi tháng 10/2021 đã công bố khoản đầu tư tài chính 30 triệu USD vào T&J.
Chưa dừng lại ở đó, liên danh Thuận Thành EJS và JFE Engineering Nhật Bản vào tháng 12/2021 còn tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc được tìm hiểu cơ hội hợp tác phát triển các dự án xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại và rác thải sinh hoạt tại địa phương này.
Trước đó, hồi tháng 3/2020, liên danh này cũng đã có công văn xin làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để báo cáo về việc nghiên cứu, đề xuất dự án nhà máy xử lý rác thải tại đây.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II (công ty con của Hoya Corporation – Nhật Bản) từng thuê Thuận Thành EJS để thu gom, vận chuyển và xử lý hỗn hợp muối thải bỏ; hay Thuận Thành EJS từng có một số hợp đồng giao dịch mua/bán với Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Italia), Công ty TNHH Honda Trading Việt Nam….
Không chỉ Thuận Thành EJS, doanh nhân Vũ Văn Đắc còn sở hữu Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh – chủ dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (chỉ thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi thu gom rác thải trên địa bàn TP. Bắc Ninh và huyện Quế Võ). Được biết, Ngôi Sao Xanh ra đời vào năm 2017, là sự kết hợp của Thuận Thành (87,5%) và CTCP Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh.
Chưa dừng lại ở đó, bộ 3 cá nhân Vũ Văn Đắc, Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Trọng Khánh tiếp tục song hành tại CTCP Đầu tư Công nghiệp và Thương mại dịch vụ Tân Yên – một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác. Theo đó, tính đến tháng 5/2014, ông Vũ Văn Đắc nắm 52% vốn công ty; ông Nguyễn Trọng Khánh và bà Nguyễn Thị Thoa lần lượt sở hữu 38% và 10%.
Tiền thân của Tân Yên là CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch – chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, địa chỉ tại thôn Lăng Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên được chấp thuận đầu tư ngày 05/11/2013, diện tích đất sử dụng là 311.674,3 m2. Liên quan tới dự án, vào ngày 29/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có có kết luận: “... tạm dừng việc triển khai thi công các hạng mục của Dự án...” để kiểm tra lại việc tổ chức thực hiện của chủ đầu tư. Đến tháng 11/2019, dự án này vẫn nằm trong diện “không đưa, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án phải gia hạn”.
Không chỉ giới hạn ở Bắc Ninh, doanh nhân Vũ Văn Đắc còn muốn tham gia vào lĩnh vực xử lý rác ở Thủ đô, khi thông qua Môi trường Ngôi sao Xanh sở hữu 26,45% cổ phần CTCP Môi trường đô thị Gia Lâm hay 14% cổ phần CTCP Môi trường đô thị Sóc Sơn. Tại quê nhà, trực tiếp Thuận Thành EJS năm 2016 trở thành nhà đầu tư chiến lược của CTCP Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh, và hiện nắm 24,57% cổ phần tại đây.
Đáng chú ý, Thuận Thành EJS còn có tham vọng thực hiện dự án khu công nghiệp. Theo đó, công ty Tân Yên còn được biết đến là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Lăng Cao (xã Cao Xá, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Về quy mô, dự án có diện tích 48ha, tổng mức đầu tư là 347,65 tỷ, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Thu về 4,2 tỷ đồng mỗi ngày
Dữ liệu cho thấy, doanh thu thuần của Thuận Thành EJS (công ty mẹ) trong năm 2020 đạt 1.566 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 4,2 tỷ đồng mỗi ngày; trong khi lãi ròng giảm 13% về 146 tỷ đồng.
Xét cả giai đoạn 2016 – 2020, doanh thu và lợi nhuận thuần của Thuận Thành EJS có xu hướng nghịch biến với nhau. Theo đó, trong khi tăng trường bình quân của doanh thu 10,9%/năm, thì với lãi thuần lại giảm 17,3%.
Tuy nhiên, so với một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như CTCP Môi trường Sonadezi (UPCOM: SZE), CTCP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu (UPCOM: MTV) và CTCP Môi trường Đô thị Hà Đông (UPCOM: MTH), các chỉ số tài chính của Thuận Thành EJS trong năm 2020 đều có sự vượt trội.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thuận Thành EJS tính đến ngày 31/12/2020 đạt 2.174 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.450 tỷ. Lưu ý rằng, vốn góp chủ sở hữu tính đến hết năm 2019 chỉ là 200 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Thuận Thành EJS đang tích luỹ được nguồn lợi nhuận khoảng 1.250 tỷ đồng. Đây cũng là tổng lãi ròng của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2016-2020.