Việt Nam mới có thêm một loại cà phê đặc sản, vừa "chào sân" ở Mỹ đã cháy hàng sau 2 ngày

Admin

Để chế biến cà phê ngon từ quả tươi, cần khoảng 4 ngày, nhưng với loại đặc sản, cần ít nhất 2-3 tuần. Với 6000 tấn cà phê arabica đặc sản của Sơn La, Phúc Sinh chỉ làm được 6 tấn thành phẩm.

Khác với phía Nam khí hậu nóng ẩm, chủ yếu thích hợp với cà phê robusta, Sơn La được thiên nhiên ưu ái, trở thành địa bàn lý tưởng của arabica - loại cà phê được ví von là kiêu kỳ, sang chảnh, có lịch sử hàng trăm năm và được thế giới ưa chuộng.

Trong một lần đến Sơn La, ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group đã phát hiện ra hạt arbica ở đây ngon tuyệt nhưng lại chưa được ghi nhận xứng đáng. Người dân thậm chí phải đem chúng vào phía Nam để trộn lẫn, bán chung với robusta - loại cà phê vốn dĩ thường có giá thấp hơn trên thị trường thế giới.

Nhận ra điều này và muốn đưa tới thị trường những gói cà phê ngon hảo hạng cũng như trả lại vị trí vốn có của hạt arabica đặc sản, Phúc Sinh đã xây dựng nhà máy tại Sơn La, nhập khẩu và đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng sánh tầm thế giới.

Việt Nam mới có thêm một loại cà phê đặc sản, vừa

Cứ 6.000 tấn quả cà phê tươi mới cho ra được 6 tấn cà phê đặc sản Honey & Natural Specialty Coffee, tức tỷ lệ chỉ là 0,001%.

Ông Thông cho biết, cà phê được gọi là đặc sản thường nhờ vào các thuộc tính đặc biệt của nó, bao gồm hương vị, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng, và độ sạch. Khi cà phê có các thuộc tính đặc biệt, nó sẽ có giá trị gia tăng đáng kể trên thị trường.

Cái khó của người chế biến là phải nghiên cứu và hiểu đặc tính hạt cà phê của từng vùng miền và chế biến theo phương thức phù hợp nhất để đẩy mạnh đặc tính tốt của hạt cà phê. Quan trọng hơn là khâu hái lựa trái chín 100%, chỉ cần lẫn cà phê chưa chín vào có thể làm hư cả một mẻ chế biến. 

Phương thức chế biến cà phê đặc sản đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công sức và thời gian hơn bình thường. Vì chế biến theo cách thủ công nên sẽ không làm được nhiều vì trong quá trình chế biến (từ 10-30 ngày), người chế biến phải kiểm tra liên tục 24/7 để kiểm soát chất lượng cà phê.

Cà phê đặc sản của mỗi vùng miền đều khác nhau và riêng biệt. Cùng 1 loại cà phê nhưng nếu chế biến khô có thể mang đến hương trái cây nhiệt đới, xoài, chocolate, còn chế biết bán ướt (honey) thì đem đến hương mật ong, chanh, caramel, hậu vị ngọt.

Việt Nam mới có thêm một loại cà phê đặc sản, vừa

Ông Thông cho biết, cùng một loại cà phê hảo hạng nhưng cách chế biến khác nhau sẽ cho ra chất lượng, hương vị khác nhau.

Để chế biến loại cà phê ngon Blue Sơn La từ quả tươi, người ta cần khoảng 4 ngày nhưng với cà phê đặc sản, cần 2 đến 3 tuần mới xong một mẻ. Từ 6.000 tấn cà phê Blue Sơn La Arabica, Phúc Sinh chỉ làm được 6 tấn cà phê đặc sản. Loại này vừa được công ty ra mắt với tên gọi Honey & Natural Specialty Coffe.

Phúc Sinh đã mang Honey and Natural Specialty đi sự kiện cà phê đặc sản Chicago và được nhiều khách hàng yêu thích, mua dùng. Sản phẩm được bán với giá 14 USD/ 250gr và đã bán hết trong 2 ngày đầu. 

"Sản xuất cà phê cần phải có nhiều tình yêu và sự kiên trì và may mắn nữa. Chúng tôi đã có những lúc vô cùng khó khăn và đầy thách thức, nhưng bằng tình yêu dành cho cà phê và những vùng đất chúng tôi xây nhà máy chúng tôi đã kiên trì vượt qua các thách thức để mang tới những hạt cà phê chất lượng tuyệt hảo cho người Việt Nam và người tiêu dùng trên toàn Thế Giới", ông Thông nói.