Vì sao nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá tăng?

Admin

Trước áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng tăng, các doanh nghiệp xi măng không thể không điều chỉnh giá.

Hàng loạt doanh nghiệp tăng giá 

Cụ thể, từ đầu tháng 6, Công ty TNHH MTV Xi măng Trung Sơn đã gửi thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm Xi măng Trung Sơn đến các nhà phân phối, đại lý với mức tăng 90.000 đồng/tấn sản phẩm đối với các mặt hàng xi măng PCB 30 và 40 ở cả hai loại bao và rời kể từ ngày 10/6.

Cũng có hiệu lực từ ngày 10/6, Công ty cổ phần Kinh doanh Xi măng miền Bắc thông báo tăng giá bán các sản phẩm Xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình với mức tăng 70.000 đồng/tấn đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo.

Tiếp đó, Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung và Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI cũng thông báo tăng giá bán xi măng từ 50.000 - 140.000 đồng/tấn tùy chủng loại kể từ ngày 15/6.

Tương tự, Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hạ Long cũng thông báo đến các nhà phân phối về việc điều chỉnh giá bán xi măng từ ngày 15-20/6 với giá tăng từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn đối với các chủng loại xi măng bao, rời, xi măng công trình dự án, xi măng jumbo.

Từ 16-20/6, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả cũng điều chỉnh giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc và miền Trung tăng từ 60.000 - 100.000 đồng/tấn đối với các chủng loại xi măng bao, rời lấy hàng tại nhà máy chính.

Xu hướng thị trường - Vì sao nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá tăng?

Đây là lần tăng giá thứ 3 và cũng là lần có mức tăng trung bình mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Ảnh: Giao Thông. 

Ngày 20/6, đồng loạt nhiều doanh nghiệp xi măng tăng giá bán. Cụ thể, Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai cũng thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời do doanh nghiệp này sản xuất với mức tăng 70.000 đồng/tấn và áp dụng đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tương tự, Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn dự kiến tăng từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn đối với tất cả các chủng loại.

Cũng từ ngày 22/6, Công ty cổ phần Xi măng VICEM Bỉm Sơn điều chỉnh tăng giá thêm 70.000 đồng/tấn sản phẩm xi măng bao và rời; Công ty Xi măng Long Sơn cũng tăng 60.000 đồng/tấn đối với tất cả nhãn hiệu xi măng rời; Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch tăng từ 50.000 - 80.000 đồng/tấn đối với xi măng PCB40 bao, rời đa dụng và công nghiệp; Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hải Vân điều chỉnh tăng 50.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và rời VICEM Hải Vân, Wallcem.

Tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán, Công ty cổ phần Vissai Hà Nam, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam và Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành đồng loạt thông báo tăng 60.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao, rời kể từ ngày ngày 25/6.

Áp lực tăng chi phí đầu vào 

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% cơ cấu giá thành sản xuất xi măng.

Xu hướng thị trường - Vì sao nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá tăng? (Hình 2).

Giá xi măng tăng mạnh trong khi giá thép vẫn tiếp tục giảm. Ảnh: Thanh Niên. 

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, khiến các công ty châu Á và châu Âu đổ xô tìm nhà cung cấp thay thế. Xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than giữa bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu cung, do sự gián đoạn ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia và Australia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, thông tin từ Kinh tế đô thị cho biết, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng trưởng trở lại do đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.

Trái ngược với đà tăng của xi măng, thép trong nước giảm giá bán lần thứ 6 chỉ trong một tháng, dao động từ 2-2,5 triệu đồng/tấn, xuống mức 18 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân giảm giá thép cũng do giá dầu vào đã có xu hướng giảm.

Đơn cử, theo đánh giá của Cơ quan Báo cáo giá hàng hóa Argus, giá quặng sắt chuẩn 62% Fe giao đến miền Bắc Trung Quốc đã giảm xuống 121,95 USD/tấn vào ngày 17/6 - mức giá thấp nhất kể từ ngày 1/1, và giảm 24% so với mức đỉnh tính đến nay của năm 2022 là 160,30 USD/tấn vào ngày 8/3.

Dù vậy, mức giá hiện nay vẫn cao hơn mức bình quân trước đây khoảng 5-7 triệu đồng/tấn (giá bình quân ngưỡng 11-13 triệu đồng/tấn).

Hương Anh (tổng hợp)