Tử vong do uống rượu có hàm lượng methanol vượt 5.357 lần

Admin

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre thông tin về hai vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong.

Người thoát "lưỡi hái tử thần" thì bị mù

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre vừa thông tin về hai vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri) vào cuối tháng 7.

Cụ thể, qua điều tra, lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng Methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn theo TCVN 7043:2013 (Hàm lượng methanol trong rượu quy định là không được lớn hơn 2000mg trên 1 lít rượu tính theo độ rượu etanol 100 độ).

Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế công cộng Tp.HCM, mẫu rượu gây ngộ độc làm 3 người tử vong có chỉ tiêu hàm lượng methanol là 10.714.286 mg/l etanol 100 độ, cao hơn gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép (so với tiêu chuẩn  ≤ 2000 mg/l etanol 100 độ).

Sự kiện - Tử vong do uống rượu có hàm lượng methanol vượt 5.357 lần

Thời gian gân đây, số vụ ngộ độc rượu gia tăng (Ảnh minh họa).

Trước đó, sáng 29/7, ông V.V.D (sinh năm 1972) ở ấp An Điền Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tổ chức nhậu tại nhà cùng hai người bạn là N.V.N (sinh năm 1972), T.V.T (sinh năm 1968) trú tại cùng địa phương.

Đến 21h cùng ngày, ông N.V.N có biểu hiện đau ngực khó thở được gia đình đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, ông T.V.T cũng có biểu hiện tương tự và tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Trong một trường hợp khác tại cùng địa phương, ông L.M.T được phát hiện tử vong tại nhà vào ngày 30/7. Qua xác minh, tối 29/7, ông L.M.T có nhậu với 3 bạn là T.Q.C, N.V.T, T.C.L, trú tại cùng xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng Methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Như vậy, đã có 3 người chết, 4 trường hợp còn lại có biểu hiện ngộ độc rượu được đưa đi cấp cứu và đã về nhà, trong đó có một người bị mù do ngộ độc rượu.

Bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho rằng lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có thể gây nghiện, làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức, ảnh hưởng về tim mạch… Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia có thể gây ra tai nạn giao thông, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội... Trường hợp uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính; uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính.

Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép gây ngộ độc cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong. Uống rượu quá nồng độ cho phép hoặc uống rượu không rõ nguồn gốc, lạm dụng rượu dễ gây ra ngộ độc rượu cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh.

Bác sĩ Ngô Văn Tán khuyến cáo, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, mọi người nên hạn chế uống rượu (tốt nhất không nên uống), nếu có uống rượu thì nên chọn loại rượu bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống ít; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, không được uống rượu khi đang đói, mệt nhọc hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống rượu, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Liên tiếp nhiều ca ngộ độc rượu tại Tp.HCM

Thời gian qua, tại Tp.HCM cũng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu. Cụ thể, lúc 23h ngày 6/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân T.C.T. (18 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) vào viện với lý do mệt. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng, nôn ói nhiều. Chẩn đoán nhập viện theo dõi ngộ độc rượu ngày 2.

Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện, đã đi uống rượu với 4 người bạn có pha nhầm chai cồn rửa tay vào rượu. Hôm sau bệnh nhân than mệt, nôn ói nhiều và người nhà đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu 242,25mg/dL. Hiện, bệnh nhân nhập khoa hồi sức tích cực chống độc (ICU) trong tình trạng bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, nôn ói nhiều, được lọc máu, sử dụng ethanol (cồn thực phẩm), vitamin B1.

Sự kiện - Tử vong do uống rượu có hàm lượng methanol vượt 5.357 lần (Hình 2).

Một số bệnh nhân bị ngộ độc rượu gần đây tại Tp.HCM đang được tích cực điều trị - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận P.T.Q. (21 tuổi, quận 1) nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân Q. đi uống rượu cùng nhóm với bệnh nhân T.C.T, có pha nhầm chai cồn vào rượu. Ngày nhập viện, người bệnh than mệt, người nhà đưa cấp cứu tại bệnh viện. Hiện, chưa có kết quả xét nghiệm độc chất nhưng chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol ngày 3. Bệnh nhân được điều trị tại ICU, dùng ethanol, vitamin B1.

Lúc 15h10 ngày 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân N.D.L. (28 tuổi, quận 3); lúc 15h34 tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ. (25 tuổi, quận Bình Thạnh), lúc 16h16 ngày 7/8 tiếp nhận bệnh nhân P.H.Th. (31 tuổi, quận 7).  Ba bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm độc chất methanol. Tổng cộng có 5 trường hợp đã nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn.

Trước đó ngày 5/8, một nhóm 8 người đa số là sinh viên phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu pha cồn cùng nước ngọt tại nhà hàng ở Tp.Thủ Đức, vụ ngộ độc này khiến 2 trường hợp tử vong.

Nhiều ca ngộ độc “rượu cồn” chết não, hôn mê sâu rồi tử vong

Chia sẻ về tình trạng ngộ độc rượu, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trung tâm Chống độc từng điều trị cho hai bệnh nhân nam giới 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối.

Sau khi uống được 5 ngày, các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não.

Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó, nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách “thoải mái” như thế này thì rất dễ bị ngộ độc.

Đây là hai trường hợp dễ phát hiện, có thể xử lý được, tuy nhiên sẽ có nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết. Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

Sự kiện - Tử vong do uống rượu có hàm lượng methanol vượt 5.357 lần (Hình 3).

Hình ảnh phim chụp não bị tổn thương của bệnh nhân ngộ độc Salicylate (Ảnh Bệnh viện Bạch Mai).

Cũng theo BS Nguyên, gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang tăng lên, nhiều ca ngộ độc “rượu cồn” chết não, hôn mê sâu rồi tử vong.

Theo vị bác sĩ này, số vụ ngộ độc gia tăng có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do 2 nguồn: Thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Nguyên nhân thứ 2 là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol. Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, để đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc để người dân uống phải. Không chỉ có thể, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được.

Ở các nước phát triển vấn đề quản lý cồn công nghiệp methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm này người bình thường không thể tiếp cận được. Người ta đóng chai lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Nếu ai đó có ý định uống để thay rượu vì nghiện rượu quá mức thì khi người nhà phát hiện ra cũng biết ngay đó là hóa chất không dùng để uống và sẽ đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu ngay những giờ đầu tiên sau khi uống. Khi đó tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều so với các trường hợp đến viện muộn như ở nước ta.

Chuyên gia cảnh báo

TS.BS. Phạm Quốc Dũng - Giám đốc Bệnh viện Quận 11, Tp.HCM cho biết, triệu chứng ngộ độc rượu methanol bao gồm các vấn đề về thị giác (từ mờ mắt và thay đổi trường thị giác đến mù hoàn toàn). Ngoài ra, còn có biểu hiện khó thở, giãn đồng tử, hạ huyết áp, kích động, lú lẫn, nhức đầu, đi lại khó khăn, đau bụng, tiêu chảy, vàng da, buồn nôn và đôi khi nôn ra máu, chuột rút ở chân và suy nhược.

Tình trạng suy giảm thị lực càng kéo dài và chậm trễ trong điều trị thì cơ hội phục hồi càng giảm. Nếu mức độ ý thức giảm hoặc co giật xảy ra và nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong.

TS.BS. Phạm Quốc Dũng cho biết thêm, đa phần những người đã uống rượu, sau khi qua giai đoạn say mới nhận thấy các triệu chứng mới nghi do ngộ độc methanol cấp thì cần chuyển gấp đến các bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất. Những người bị ngộ độc rượu không nên có tâm lý sợ đến khám.

Tương tự, ThS.BS Hoàng Tiến Nam – Bác sĩ điều trị khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Người bệnh ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì cũng để lại các biến chứng mờ mắt.”

Cũng theo bác sĩ Nam, methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi..., nhưng chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.

Trao đổi về vấn đề tăng cường kiểm tra, xử lý trong sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM cho rằng: “Không chỉ thời điểm hiện tại mà từ trước đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, có xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt, xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc…

Tuy nhiên, thực tế tình trạng này khó kiểm soát, do không ít cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lén lút bán rượu không đảm bảo chất lượng. Để không bị ngộ độc methanol, chính là phải nâng cao ý thức, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mắc, không lạm dụng việc uống rượu bia”.

M.Vy (t/h từ VTV, Kinh tế & Đô thị, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Tin Tức)