Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn, canh cánh nỗi lo cháy
Khoảng 9h30 ngày 9/8, nhóm công nhân tiến hành hàn xì, sửa chữa quán cà phê trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, Tp.HCM.
Tia lửa từ việc hàn xì sau đó bén sang tầng 3 của căn nhà bên cạnh, có địa chỉ 172 Võ Văn Kiệt. Do trong nhà có nhiều vật dụng dễ cháy nên lửa bùng lên dữ dội. Mọi người nhanh chóng di dời tài sản ra ngoài do tầng trệt căn nhà là cửa hàng bán đồ gia dụng. Lúc này, có hai người trong nhà đã kịp thời tháo chạy ra ngoài nên thoát nạn.
Để khống chế hỏa hoạn, người dân địa phương đã huy động khoảng 10 bình chữa cháy mini tiếp cận dập lửa. Đám cháy được khống chế trước khi cảnh sát PCCC có mặt. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng khiến một số tài sản trong căn nhà bị thiêu rụi.
Cũng tại Tp.HCM, ngày 4/8, Công an huyện Hóc Môn đã lập hồ sơ, điều tra vụ cháy nhà trên đường Đông Lân, xã Bà Điểm.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 7h cùng ngày, người dân sống trên đường Đông Lân, ấp Hậu Lân phát hiện khói lửa bùng lên từ căn nhà bốn tầng nên hô hoán. Người trong căn nhà hô hoán, huy động phương tiện tại chỗ tiếp cận dập lửa nhưng bất thành. Khói lửa bốc lên dữ dội từ tầng bốn khiến cư dân khu vực náo loạn.
Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Hóc Môn điều động nhiều phương tiện và các cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường khống chế. Khói lửa được dập tắt sau ít phút. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều tài sản trong nhà bị thiêu rụi. Theo ghi nhận, phía trước căn nhà tại lầu bốn bị ám khói đen, kính cửa vỡ toang.
Tại Đà Nẵng, ngày 7/8, Công an quận Hải Châu cho biết, lực lượng đã khống chế thành công đám cháy tại ngôi nhà số 459 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), tuy nhiên, đám cháy đã khiến 3 người tử vong tại chỗ.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 14h15 cùng ngày, người dân sống chung quanh ngôi nhà phát hiện khói bốc nghi ngút trên tầng 2 căn nhà này. Ngôi nhà khóa trái bên trong nên người dân cùng dân quân địa phương đã phá cửa tiếp cận, đồng thời gọi điện báo lực lượng cứu hỏa.
Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an quận Hải Châu), Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an Tp.Đà Nẵng) đã điều động nhiều phương tiện cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai dập lửa, cứu nạn.
Sau hơn 30 phút tiếp cận, ngọn lửa đã được khống chế, lực lượng chức năng phát hiện 3 người tử vong. Qua xác minh, 3 người tử vong gồm: mẹ 49 tuổi, và 2 con 14 tuổi, 11 tuổi. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Tại Hà Nội, 14h25 phút ngày 8/8, Công an quận Ba Đình nhận tin báo cháy tại nhà số 59 ngõ 879 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tới nơi, xác định khu vực cháy là ngôi nhà có diện tích 20m2, 3 tầng. Tầng 1 sử dụng bán tạp hóa, tầng 2 và 3 có bố trí phòng trọ.
Theo nhân chứng ở hiện trường cho biết, thời điểm xảy ra cháy, có 4 người, đã thoát ra ngoài an toàn. Sau khi triển khai các biện pháp chữa cháy, đến 14h42 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt. Vụ cháy gây thiệt hại tầng 3, diện tích cháy 20m2, không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Trước đó, ngày 1/8, vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke 231 Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi tham gia chữa cháy, cứu nạn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cấp chính quyền, người dân về an toàn, phòng, chống cháy nổ.
Qua thống kê, ngoài vụ cháy kể trên, tại Hà Nội đã từng xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân các vụ cháy trên được xác định là do chủ quan trong quá trình hàn xì, sinh hoạt, khiến lửa bùng phát lớn, gây ra những cái chết thương tâm. Dù đã có những bài học đau lòng nhưng tại Hà Nội nhiều người vẫn khá thờ ơ với "giặc lửa”.
Tận dụng khoảng “thời gian vàng” khi chữa cháy
Theo các chuyên gia, đối với công tác chữa cháy, “thời điểm vàng” để thực hiện dập lửa là không quá từ 5 phút kể từ khi đám cháy xuất hiện. Vì vậy, việc huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ," trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm “lực lượng trong dân - phương tiện trong dân - hậu cần trong dân và chỉ huy ở trong dân” là rất quan trọng. Từ đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là cần nâng cao nhận thức cho lực lượng ở cơ sở.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an Tp.HCM), khuyến cáo: “Báo cháy chậm là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến hầu hết vụ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Người dân không nên lãng phí “khoảng thời gian vàng” trong công tác chữa cháy. Ngay khi phát hiện ra cháy, song song với nỗ lực tổ chức cứu chữa ban đầu, người dân phải đồng thời thông tin báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để được hỗ trợ kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra”.
Việc phát hiện cháy sớm giữ vai trò quan trọng giúp con người có được sự chủ động nhất định trong công tác tổ chức chữa cháy. Bên cạnh thao tác thông tin báo cháy bằng điện thoại qua tổng đài khẩn cấp 114, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh có kết nối trực tiếp với Trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH là một giải pháp tối ưu khác cho vấn đề này.
Đối với những cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy, nổ, lực lượng PCCC chuyên nghiệp vẫn thường xuyên khuyến cáo lắp đặt hệ thống này. Bởi, ngay khi phát hiện cháy, người dân chỉ cần thực hiện một động tác ấn nút. Khi ấy, tín hiệu báo cháy, kèm theo những thông tin liên quan như tên và địa chỉ, hệ thống giao thông, nguồn nước, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện, lực lượng chữa cháy tại chỗ và phương án PCCC của cơ sở… sẽ được hiển thị trên hệ thống màn hình theo dõi tại Trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Từ đó, lực lượng PCCC chuyên nghiệp sẽ tổ chức ứng cứu kịp thời và hiệu quả hơn rất nhiều. Chính vì vậy, người đứng đầu các cơ sở nên dành sự quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống này vì lợi ích của chính mình.
Không phải ngẫu nhiên mà đa số vụ hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm thường có diện tích cháy lớn và mức độ thiệt hại hết sức nghiêm trọng, bởi vì, đây là khoảng thời gian phần đông chúng ta đều dành cho việc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, sự cảnh giác đối với “giặc lửa” sẽ xuống thấp và nếu có cháy phát sinh thì khả năng phát hiện sớm để có thể tổ chức cứu chữa của đội ngũ PCCC tại chỗ cũng sẽ không cao.
Theo đó, việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về PCCC và CNCH cùng sự chủ động phòng ngừa các nguy cơ có thể gây cháy, nổ ngay tại nơi ở, nơi làm việc của mỗi người dân cũng chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Thế nên, các doanh nghiệp cần phải quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác trực bảo vệ tại cơ sở vào ban đêm để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống cháy, nổ ngay khi vừa mới phát sinh, tránh để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Còn đối với các hộ dân, vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người dân cần kiểm tra lại hệ thống điện, khu vực đun nấu, thờ cúng và các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt khác trong gia đình; đồng thời, cũng phải chú ý đến giải pháp thoát nạn khi không may xảy ra cháy, nổ.
Phát huy hiệu quả các mô hình PCCC
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: Các địa phương cần rà soát, đánh giá các mô hình phát huy hiệu quả trong công tác PCCC và cứu nạn tại địa phương, tập trung nhân rộng với công thức: Lối thoát hiểm thứ 2 + bình chữa cháy, phương tiện chữa cháy + chuông báo cháy + kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm… Nghiên cứu cập nhật các tình huống mới trong công tác diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và phương tiện chữa cháy, bảo đảm 100% phương tiện, trang thiết bị trong diện thường trực phải hoạt động tốt, kịp thời tham gia xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra.
M.Vy (Tổng hợp)