Các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với giá khí đốt tăng khủng khiếp kể từ khi nhà cung cấp khí đốt chính là Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và hứng loạt trừng phạt từ phương Tây.
Theo đó, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đang cố gắng cắt giảm lượng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Đáp trả lại, Nga, nước cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu trong năm ngoái, gần đây đã siết van nguồn cung tới châu Âu.
Giá điện tăng cao kỷ lục
Theo CNBC, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho rằng, giá khí đốt ở châu Âu cần ngừng tăng ngay lập tức. Ông cũng cho rằng mối liên quan giữa giá khí đốt và giá điện là giả tạo và cần được thay đổi.
"5-10 mùa đông tới sẽ cực kỳ khủng khiếp nếu chúng ta không làm gì cả", ông nói và thêm rằng: "Chúng ta phải hành động tại nguồn, ở cấp độ châu Âu và phải làm sao để "đóng băng" giá khí đốt".
Giá điện tại các nước châu Âu vào thời điểm cuối tháng 8 đã tăng lên mức kỷ lục, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do khí đốt đang là nguồn sản xuất điện chính của khu vực.
Giá điện tại Đức tăng vọt từ tháng 6
Ở Đức, các hợp đồng mua điện trước một năm đạt 995 euro (tương đương 991 USD) cho mỗi MWh (1 .000 kWh). Trong khi đó tại Pháp cũng tăng lên 1.130 euro/MWh. Theo AFP, con số này đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái ở cả hai quốc gia trên.
Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng nước này cho biết sẽ tăng mức giá trên điện và khí đốt gần gấp hai lần từ ngày 1/10 lên mức trung bình 3.549 bảng Anh (tương đương 4.168 euro/năm).
Đồng quan điểm, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng cho rằng cần ngăn chặn "sự điên rồ" đang diễn ra trên thị trường năng lượng hiện nay. Theo ông, giá điện cần phải giảm xuống. Ông cũng kêu gọi EU phải tách bạch giá điện và giá khí đốt.
"Chúng ta không thể để Tổng thống Nga Putin quyết định đến giá điện hàng ngày của châu Âu được", ông nhấn mạnh.
Đức là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga trong năm 2020. Nước này đang chạy đua để tăng nguồn dự trữ khí đốt trước khi mùa đông đến, bất chấp việc Nga cắt giảm việc giao hàng.
Mục tiêu của Đức là đến tháng 10 bơm đầy được khoảng 85% các kho dự trữ khí đốt và họ cũng đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết với các biện pháp tiết kiệm năng lượng và việc mua khí đốt từ các nguồn cung thay thế, có khả năng Đức sẽ được mục tiêu sớm hơn dự kiến. Ông ước tính, Đức sẽ đạt được mục tiêu 85% dự trữ khí đốt vào đầu tháng 9 này.
Còn Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đề xuất tổ chức cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng EU càng sớm càng tốt để giải quyết vấn đề giá năng lượng leo thang.
Thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga đẩy giá năng lượng tại châu Âu tiếp tục đà tăng chưa có hồi kết kéo theo giá hàng hoá và tỷ lệ lạm phát tăng mạnh tại các nước châu Âu.
Bối cảnh trên khiến các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay hơn trong tháng 9. Việc tăng lãi suất diễn ra ngay cả khi sự tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu chậm lại và nguy cơ suy thoái xuất hiện.
Châu Âu còn rất ít lựa chọn để cứu người dân ra khỏi cuộc khủng hoảng
Một lựa chọn, ít nhất về mặt lý thuyết, là không làm gì cả. Châu Âu có thể chấp nhận và chịu đựng giá năng lượng cao. Dần dần, giá nhiên liệu cao kỷ lục sẽ khiến sản lượng kinh tế đi xuống, kéo theo nhu cầu về dầu và khí đốt cũng giảm và kết quả làm hạ giá năng lượng.
Tuy nhiên, nếu để cơ chế thị trường hoạt động mà không có sự can thiệp, người dân châu Âu, đặc biệt những hộ gia đình nghèo nhất, sẽ rơi vào cảnh khốn cùng.
Nguồn: CNBC
Lựa chọn thứ hai là đón nhận cơ hội từ cuộc khủng hoảng năng lượng để chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch. Cách tiếp cận theo kiểu "không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng" này cũng có những điểm tốt.
Các chính phủ phương Tây đã tham gia thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không, và cuộc khủng hoảng năng lượng đang tạo ra cơ hội tăng tốc quá trình chuyển đổi này. Thay vì dựa vào khí đốt của Nga, các quốc gia phương Tây có thể tự xây dựng nên những loại năng lượng xanh hơn, sạch hơn.
Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang diễn ra và sẽ cần nhiều thời gian. Việc châu Âu thoát khỏi khí đốt của Nga ngay trong mùa đông này là chuyện không thể.
Giá khí đốt đã tăng mạnh kể từ cuối tuần trước sau khi Gazprom thông báo về một đợt bảo trì đường ống Nord Stream 1 ngoài kế hoạch. Có lo sợ rằng nguồn cung khí đốt sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của châu Âu.
Theo Reuters, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev còn đưa ra một dự báo có phần gay gắt với châu Âu khi cho rằng giá khí đốt sẽ chạm ngưỡng 5.000 EUR/1.000 m3 vào cuối năm nay. Hiện giá khí đốt tại châu Âu đã có lúc lên tới 3.500 EUR/1.000 m3 (khoảng 330 EUR/MWh).
Tham khảo: CNBC, The Guardian