Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động trái chiều

Admin

Trong khi giá lúa ở một số địa phương giảm thì giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ 300 – 400 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá một số loại lúa có sự giảm nhẹ như: OM 5451 giảm 200 đồng/kg, còn 6.800 đồng/kg; TS24 giảm 100 đồng/kg, ở mức 8.500 đồng/kg; riêng Đài Thơm 8 vẫn được giữ ổn định, ở mức 7.200 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, nhiều loại lúa cũng có giá giảm như: IR 50404 giảm 100 đồng/kg, còn 6.500 đồng/kg; OM 18 giảm 300 đồng/kg, còn 6.800 đồng/kg; riêng RVT là 8.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Tại An Giang, giá lúa cũng có sự điều chỉnh giảm đối với các loại lúa như IR 50404, OM 5451, OM 18 và Nàng Hoa 9.

Cụ thể, lúa IR 50404 giảm 200 đồng/kg xuống còn từ 5.400 - 5.500 đồng/kg. Mức giảm tương tự cũng xảy ra với lúa OM 5451 còn từ 5.300 - 5.500 đồng/kg; OM 18 giao dịch với giá 5.700 - 5.900 đồng/kg. Riêng Nàng Hoa 9 giảm 100 đồng/kg xuống khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg.

Cùng với xu hướng giảm của thị trường, giá nếp cũng có thay đổi. Theo đó, nếp Long An (tươi) giảm 100 đồng/kg, hiện có giá là 6.100 - 6.200 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR 40404 vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404  tại Đồng Tháp là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Riêng giá lúa tại Bến Tre lại ghi nhận sự phục hồi nhẹ trở lại như: OM 5451 là 5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM4218 là 5.800 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; OM 6976 ở giá 5.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng IR 50404 ổn định ở mức 5.700 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè thu 2022 đến nay, Nam Bộ đã gieo cấy 1.555.457 ha/1.575.334 ha, đạt 99% so với kế hoạch; đồng thời các địa phương cũng đã thu hoạch 467.854 ha, 30% diện tích.

Toàn vùng cũng đã gieo cấy được 301.600 ha/472.328 ha lúa Thu Đông, chiếm 64% so với kế hoạch.

Để phòng, trừ các sinh vật gây hại có khả năng phát sinh, gia tăng, ngành nông nghiệp dự báo, bệnh đạo ôn có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ, nhất là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm.

Bệnh bạc lá, lem lép hạt có khả năng tiếp tục phát sinh phát triển gây hại do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết có xuất hiện mưa, dông.

Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, rầy nâu, rầy lưng trắng có khả năng tiếp tục phát sinh, phát triển và gia tăng mật độ trên lúa Hè Thu. Sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục phát triển và gây hại tăng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam đều giảm do nguồn cung tăng cao, trong khi đồng USD mạnh hạn chế hoạt động gạo nhập khẩu vào Bangladesh, quốc gia đang bị lũ lụt.

Bangladesh bắt đầu nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ sau khi chính phủ cho phép các thương nhân nhập khẩu 1 triệu tấn gạo và cắt giảm thuế nhập khẩu sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng.

Mặc dù Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng quốc gia này thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với tuần trước, ở mức từ 362 - 368 USD/tấn, khi nhu cầu yếu "bù trừ" những lo ngại về nguồn cung.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 400 USD/tấn, giảm so với mức 420 USD/tấn của tuần trước.

Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống mức từ 395- 413 USD/tấn, giảm từ mức từ 415- 420 USD/tấn của tuần trước.

Xu hướng thị trường - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động trái chiều

Tại thị trường thế giới, giá ngô và đậu tương tuần qua tăng trong khi giá lúa mì giảm.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá các loại nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động trái chiều, với giá ngô và đậu tương tăng trong khi giá lúa mì giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 1 xu Mỹ (tương đương 0,16%) lên 6,2 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 28 xu Mỹ (1,94%), lên 14,685 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 9,25 xu Mỹ (1,13%) xuống 8,0775 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá lúa mì của Mỹ giảm trước tin tức rằng một số lô hàng hóa mắc kẹt có thể rời cảng vào cuối tuần này nhờ một hành lang xuất khẩu an toàn được Nga và Ukraine thiết lập. Trong khi đó, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng của thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh. Theo số liệu thống kê, thị trường đậu tương trải tuần giao dịch tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2004.

Về thị trường cà phê thế giới, trong phiên giao dịch cà phê ngày 30/7, giá cà phê thế giới kỳ hạn tiếp tục trái chiều khi đồng USD suy yếu đã hỗ trợ hầu hết các đồng tiền mới nổi lấy lại giá trị.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng thêm 15 USD, lên 2.030 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 14 USD, lên 2.028 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình. Giá Robusta London lên đứng ở mức cao 4 tuần.

Xu hướng thị trường - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, cà phê biến động trái chiều (Hình 2).

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ  300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 40.500 – 41.100 đồng/kg.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,20 xu Mỹ, xuống 217,20 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 0,80 xu Mỹ, còn 213,80 xu Mỹ/lb, các mức giảm nhẹ (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ  300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 40.500 – 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn diễn biến trái chiều tương tự như phiên ngày hôm trước, sụt giảm ở New York và duy trì đà tăng ở London. Giá cà phê Robusta còn có thêm sự hỗ trợ của báo cáo kinh tế khu vực Eurozone vẫn tăng trưởng vững chắc, cho dù đang xảy ra cuộc xung đột ở Đông Âu và khủng hoảng năng lượng trong khu vực đã đẩy giá hàng hóa lên cao.

Báo cáo lạm phát của Mỹ, không bao gồm lương thực và năng lượng (PCE), trong tháng Sáu đã tăng cao hơn dự kiến của thị trường, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay để kiềm chế lạm phát trong cuộc họp chính sách tháng 9 tới.

Gạo Việt “rộng cửa” vào thị trường Anh 

Trước khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh bị áp thuế rất cao. Chính vì vậy, việc được giảm thuế theo cam kết UKVFTA là cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ... gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.

Cụ thể, về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Đáng chú ý, theo hiệp định này, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được miễn thuế thay vì phải chịu mức 17,4% như trước đây. Điều này giúp gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn so với những nước cùng xuất khẩu gạo thơm sang Anh.

Đánh giá về dư địa của thị trường Anh cho sản phẩm gạo, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng: Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng với cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA.

Tuy nhiên, cũng như các thị trường khác tại châu Âu, Anh là quốc gia có nhiều rào cản khắt khe về an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường... với những sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm lương thực thực phẩm. Do đó, để biến tiềm năng này thành hiện thực, tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt (Global G.A.P) cần được người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo áp dụng triệt để, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Cơ quan chức năng và các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu.

Hương Anh (tổng hợp)