Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vừa thực hiện kiểm tra Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai (Dự án VTM).
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của Dự án VTM gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5.
Hiện nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất 3 phương án tái cơ cấu Dự án VTM. Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty TNHH Khống chế Cổ phần Gang thép Côn Minh - KISC).
Hai là, Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là, Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.
Tuy nhiên, phía Tổng Công ty Thép Việt Nam đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.
Về Đề án tái cơ cấu VTM, đại diện phía đối tác KISC, Trung Quốc đề nghị xây dựng đề án tái cơ cấu theo quy định giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Về giấy phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn hoặc cấp lại cho dự án. Trường hợp Việt Nam không đồng ý giao phía đối tác liên doanh toàn quyền vận hành dự án thì đối tác này cũng đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp để tạo điều kiện cho VTM phát triển.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bên liên doanh trong dự án VTM làm việc chưa chuyên nghiệp, mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả dẫn tới thua lỗ.
"Đến hết thời hạn khai thác mỏ (31/12/2022) sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không có phương án tái cơ cấu hợp lý", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, đối với Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai, các bên liên doanh cần có sự thống nhất về phương án tái cơ cấu để các bộ, ngành, Chính phủ có căn cứ đưa ra quyết định.
Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại cuộc họp về tái cơ cấu các dự án yếu kém của ngành công thương được tổ chức trước đó vào ngày 15/7/2022 và yêu cầu đến ngày 30/8 phải có phương án rõ ràng kể cả về giấy phép khai thác mỏ, các hoạt động liên doanh về phía Việt Nam để báo cáo với Thường trực Chính phủ có phương án về việc xử lý tái cơ cấu dự án VTM.
"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất", Phó Thủ tướng chỉ đạo.