Lý do xăng dầu giảm giá mạnh nhưng giá hàng hoá và cước vận tải chưa "hạ nhiệt"

Admin

Theo Bộ Tài chính, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.

Trước thực trạng giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành gần đây nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng, Bộ Tài chính đã có những lý giải về việc này.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 7-2022, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ.

Lý do xăng dầu giảm giá mạnh nhưng giá hàng hoá và cước vận tải chưa hạ nhiệt - Ảnh 1.

Giá hàng hoá chưa hạ theo giá xăng dầu - Ảnh: Minh Phong

Một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm....

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics...

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Cũng theo Bộ Tài chính, đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.

Lý do xăng dầu giảm giá mạnh nhưng giá hàng hoá và cước vận tải chưa hạ nhiệt - Ảnh 2.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, cần có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm - Ảnh: Minh Phong

Ông Nguyễn Xuân Sang cho biết trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Cụ thể, về đường bộ, theo thống kê của Bộ, có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.

Về đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng giá cước khoảng 10%.

"Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá"- ông Nguyễn Xuân Sang nói và kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu.