Lộc Trời: Từ vị thế dẫn đầu đến cú “sảy chân” chưa từng có

Admin

Từng dẫn đầu ngành nông nghiệp, Lộc Trời đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi đánh mất lợi nhuận trăm tỷ, cổ phiếu tụt dốc và nhân sự liên tục biến động...

Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, gây áp lực không nhỏ lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước những thách thức đó, Lộc Trời đã quyết định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, dự kiến trong khoảng từ ngày 7-31/12, để miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, đồng thời thông qua kế hoạch kinh doanh điều chỉnh và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Với động thái mới của Lộc Trời, hãy cùng Người Đưa Tin nhìn lại hành trình phát triển của doanh nghiệp được mệnh danh là "anh cả" ngành nông nghiệp cũng như tìm hiểu về những thách thức đang "đè nặng" lên vai công ty.

Khởi đầu khiêm tốn đến "ông lớn" nông nghiệp

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên. Ban đầu, đây là một công ty nhỏ do tỉnh An Giang thành lập với mong muốn củng cố hoạt động bảo vệ thực vật.

Sau đó, Lộc Trời đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong các giai đoạn tiếp theo. Năm 2004, công ty tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ tăng lên 150 tỷ đồng.

Lộc Trời: Từ vị thế dẫn đầu đến cú “sảy chân” chưa từng có- Ảnh 1.

Tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên.

Năm 2006, Lộc Trời khởi xướng mô hình "3 cùng" (cùng canh tác, cùng quản lý chất lượng và cùng phát triển thị trường tiêu thụ) với chỉ 12 kỹ sư. Đây là bước đi đầu tiên trong hành trình của công ty vào lĩnh vực lúa gạo. Đến nay, đội ngũ "3 cùng" đã phát triển lên hơn 1.300 kỹ sư.

Đến năm 2009, Lộc Trời tăng vốn điều lệ lên 270 tỷ đồng và chính thức bước vào lĩnh vực lương thực thông qua dự án "Cánh đồng mẫu lớn", đánh dấu sự tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, từng chia sẻ với Người Đưa Tin rằng: "Bảo vệ thực vật là để bảo vệ cây trồng, giúp người dân có kiến thức bảo vệ mùa màng. Nhưng việc được mùa chưa chắc đã tốt, bởi còn đối diện với rớt giá. Khi đó, Lộc Trời đã nghĩ đến việc phải làm gì đó cho vấn đề tiêu thụ lúa gạo. Ngành lương thực của Lộc Trời cũng từ đó ra đời".

Lộc Trời: Từ vị thế dẫn đầu đến cú “sảy chân” chưa từng có- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời.

Năm 2011, khi Lộc Trời mới "chân ướt chân ráo" bước vào lĩnh vực lúa gạo, doanh thu từ mảng này chỉ đạt 91 tỷ đồng, chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu của tập đoàn. Tuy nhiên, đến năm 2015, mảng lúa gạo đã mang lại 2.915 tỷ đồng, tương đương 36% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận từ kinh doanh lúa gạo cũng tăng lên đáng kể.

Năm 2017, Lộc Trời niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM với giá tham chiếu 55.000 đồng/cổ phiếu, trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán lúc bấy giờ.

Dư âm sau "triều đại" của ông Nguyễn Duy Thuận tại Lộc Trời

Nhìn lại chặng đường 6 năm trên sàn chứng khoán, từ năm 2017-2018, doanh thu của Lộc Trời đạt đỉnh với 9.031 tỷ đồng vào năm 2018, trong khi lợi nhuận duy trì ở mức ổn định khoảng 414 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm sau đó, cả doanh thu và lợi nhuận của công ty đều giảm sút. Đến năm 2021, Lộc Trời ghi nhận lãi 418 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 6 năm qua, tính từ năm 2015.

Trong giai đoạn này, ông Nguyễn Duy Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn từ năm 2020. Dưới sự lãnh đạo của ông Thuận, cơ cấu doanh thu của Lộc Trời có sự chuyển dịch từ mảng thuốc bảo vệ thực vật sang mảng lúa gạo. Mặc dù mảng gạo có biên lợi nhuận thấp hơn so với thuốc bảo vệ thực vật, nhưng công ty vẫn kiên định với chiến lược chuyển đổi.

Sự thay đổi này thể hiện rõ ràng hơn khi Lộc Trời ngừng hợp tác với Syngenta trong việc cung cấp thuốc bảo vệ thực vật vào năm 2022. Điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh về sản lượng và doanh thu từ mảng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đồng thời công ty cũng đặt ra những mục tiêu kinh doanh tham vọng như đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2024.

Chia sẻ về mục tiêu trên, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn nói: "Tôi cho rằng con số đó chỉ là để hình dung cụ thể, còn mục tiêu chính của Lộc Trời là xây dựng hệ sinh thái lúa gạo bền vững và nâng cao đời sống nông dân".

Đến năm 2023, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt mức kỷ lục 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ lương thực – lúa, gạo tăng 74,7%, lên 11.226 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu; trong khi doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật giảm 9,5%, còn 3.825 tỷ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu.

Do đó, mặc dù đạt doanh thu kỷ lục, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn 16,5 tỷ đồng, giảm 95% so với năm trước.

Bên cạnh sự đi xuống trong kết quả kinh doanh cùng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh này đã âm hơn 2.940 tỷ đồng vào năm 2023 từ mức dương hơn 1.360 tỷ đồng vào năm 2019.

Khó khăn tiếp tục bủa vây Lộc Trời trong quý I/2024, khi công ty báo lỗ 96 tỷ đồng dù doanh thu thuần đạt 3.848 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được công ty giải thích là do tỉ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần tăng cao (65% so với doanh thu tăng 57%), cùng với chi phí lãi vay và lỗ tỉ giá vượt quá mức tăng của doanh thu/thu nhập khác, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm mạnh.

Tháng 5/2024, Lộc Trời dính vào lùm xùm nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân. Vụ Đông Xuân 2023-2024, tập đoàn mua hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân đồng bằng sông Cửu Long, trị giá gần 2.500 tỷ đồng để làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy.

Tuy nhiên, đến ngày 1/5/2024, Lộc Trời còn nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân, không trả đúng hạn như cam kết ban đầu.

Những thách thức này càng rõ rệt hơn khi đến nay, Lộc Trời vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Đặc biệt, vào thời điểm khó khăn này, ông Nguyễn Duy Thuận, người có dấu ấn trong chiến lược chuyển đổi của công ty, đã bị bãi nhiệm vào tháng 7/2024.

Nội bộ phức tạp - cổ phiếu sụt giảm

Sau khi ông Thuận bị bãi nhiệm, nội bộ Lộc Trời liên tục "lục đục", hàng loạt nhân sự cao cấp của tập đoàn lần lượt từ chức. Hiện tại, Ban kiểm soát của Lộc Trời chỉ còn lại Trưởng ban Uday Krishna, sau khi hai thành viên là ông Tiêu Phước Thanh và bà Nguyễn Thị Thúy lần lượt xin từ nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Johan Sven Richard Bode, người mới được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029, cũng đã nộp đơn từ chức với lý do cá nhân.

Gần đây, ông Nguyễn Tấn Hoàng, Kế toán trưởng của Lộc Trời, đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn từ ngày 16/10/2024.

Khi nào Lộc Trời mới hết khó?

Liên quan đến biến động nhân sự, vào đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh An Giang đã ban hành công văn số 4902/VPUBND-NC, thông báo nhận được công văn từ Tập đoàn Lộc Trời về việc "đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, vì có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của công ty". Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chuyển vụ việc sang Công an tỉnh để xem xét và giải quyết theo thẩm quyền.

Lộc Trời: Từ vị thế dẫn đầu đến cú “sảy chân” chưa từng có- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Thuận - nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời.

Chia sẻ trong một sự kiện gần đây, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, cho biết sai lầm trong việc lựa chọn người điều hành đã dẫn đến tình thế cực kỳ nguy hiểm cho doanh nghiệp.

Vị chủ tịch tố đã bị "dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó, kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi". Điều này dẫn tới kết quả kinh doanh đi xuống rất nhanh của doanh nghiệp, khiến công ty "chưa bao giờ thua lỗ" phải "gặp thua lỗ nặng như ngày hôm nay".

Tại một diễn biến khác, giai đoạn 2012-2019, doanh thu của tập đoàn dao động quanh mức 6.000-9.000 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 300-400 tỷ đồng mỗi năm. Lộc Trời cũng liên tục duy trì tỉ lệ chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông từ 10-20%/năm. Chính vì vậy, cổ phiếu LTG từng được các nhà đầu tư nước ngoài coi là "hạt ngọc" khi liên tục được các quỹ ngoại mua vào.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, Lộc Trời đối mặt với nhiều lùm xùm, từ việc "khất" tiền lúa của nông dân, chậm nộp báo cáo tài chính, cho đến các vấn đề nội bộ. Điều này khiến cổ phiếu LTG ghi nhận nhiều phiên giảm mạnh.

Lộc Trời: Từ vị thế dẫn đầu đến cú “sảy chân” chưa từng có- Ảnh 4.

Diễn biến thị giá cổ phiếu LTG.

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có quyết định đưa cổ phiếu LTG vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần kể từ 24/10/2024. Nguyên nhân là do Lộc Trời chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Sau thông tin này, cổ phiếu LTG đã giảm kịch biên độ 14,37% xuống còn 8.100 đồng/cổ phiếu - giảm 75% so với mức đỉnh cổ phiếu được lập vào tháng 10/2023 - với 4,3 triệu đơn vị được giao dịch vào ngày 22/10. Đến phiên 23/10, LTG tiếp tục giảm hơn 8% vào đầu phiên, trước khi phục hồi vào cuối phiên và chốt ở mức 8.200 đồng/cổ phiếu, tăng 1,23% so với tham chiếu.