Dư thừa xi măng ở mức báo động

Admin

Tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 60 triệu tấn/năm, kênh xuất khẩu sụt giảm do Trung Quốc giảm mua clinker từ Việt Nam, dư thừa xi măng đang ở mức báo động với nhiều doanh nghiệp cũng như toàn ngành.

Tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 60 triệu tấn/năm, kênh xuất khẩu sụt giảm do Trung Quốc giảm mua clinker từ Việt Nam, dư thừa xi măng đang ở mức báo động với nhiều doanh nghiệp cũng như toàn ngành.

Rất khó bán hàng

Mất cân đối cung cầu vẫn là câu chuyện chưa hết nóng của ngành xi măng. Vấn đề này còn đáng lo hơn khi những tháng gần đây, kênh xuất khẩu liên tục sụt giảm, tiêu thụ nội địa gần như dậm chân tại chỗ, trong khi chi phí sản xuất tăng quá cao, đe dọa lớn đến hoạt động của nhiều nhà máy xi măng.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung cho biết, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn/năm. Nhờ ứng dụng công nghệ, điều chỉnh tỷ lệ phụ gia, có thể sản xuất thêm hơn 20 triệu tấn nữa, trong khi tiêu thụ nội địa 3-4 năm nay chỉ khoảng trên dưới 60 triệu tấn/năm.

Công suất lớn, nhưng tiêu thụ nội địa hạn chế, xuất khẩu hơn 45 triệu tấn/năm, nhưng cả 2 kênh này đang bị suy giảm do tiến độ các dự án đầu tư xây dựng chậm được triển khai, riêng xuất khẩu đã giảm trên 23% so với cùng kỳ do các thị trường lớn đều giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam.

Theo đó, sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu với gần 46 triệu tấn, những tháng gần đây, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker thực thi chính sách Zero Covid, nên hạn chế các hoạt động giao thương. Thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng từ Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng qua, xuất khẩu xi măng sụt giảm 23% về lượng và 12,3% về trị giá, với 18,8 triệu tấn và 833 triệu USD. Xuất khẩu vẫn đang trên đà giảm tiếp, khiến các nhà sản xuất xi măng rất lo ngại.

“Rủi ro chính đối với nhu cầu xi măng Trung Quốc trong năm 2022 là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản dân dụng, vốn chiếm 30-35% tổng tiêu thụ xi măng của quốc gia này, kéo theo lượng clinker, xi măng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm theo”, Công ty cổ phần Chứng khoán VNdirect nhận định.

Ông Nguyễn Hoàng Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn thừa nhận, ngành xi măng đang đối mặt khó khăn khi cung vượt xa cầu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt cả về địa bàn, giá cả, số lượng.

Riêng tại Thanh Hóa, có hơn 10 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất trên 23 triệu tấn. Trong đó, Vicem Bỉm Sơn trên 5,5 triệu tấn, Xi măng Long Sơn 7,5 triệu tấn, Công Thanh 6 triệu tấn, Nghi Sơn 4,5 triệu tấn…

Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu, với gần 46 triệu tấn, ước đạt 1,9 tỷ USD, là mức ngoại tệ lớn nhất từ trước tới nay thu về từ xuất khẩu xi măng. Nhưng với tình hình của năm 2022, xuất khẩu sẽ hụt hơi trên chục triệu tấn.

Tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành xi măng dự báo vẫn tiếp diễn trong giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Phạm Đức Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Nghi Sơn, với quy mô công suất lớn như hiện tại, thị trường nội địa có hạn, trăn trở rất lớn của ngành xi măng sắp tới là làm sao đẩy mạnh được xuất khẩu, tìm kiếm thêm thị trường mới. Song việc xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, khi chính sách ở mỗi nước khác nhau, nhiều thị trường áp dụng những hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu vào nước họ.

Vẫn còn dự án xin đầu tư

Dư cung lớn, bán hàng nội địa lẫn xuất khẩu đều khó, nhưng tương lai ngành xi măng vẫn tiếp tục phình to khi nhiều dự án đang đầu tư và tiếp tục xin đầu tư. Điểm chung của các dự án là đều có công suất lớn.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 2 dây chuyền xi măng (tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, gồm Xuân Thành 3 (4,5 triệu tấn), Long Thành (2,3 triệu tấn), Long Sơn 4 (2,5 triệu tấn). Riêng Dự án xi măng Đại Dương 1, công suất trên 2 triệu tấn đáng lẽ vận hành cuối năm nay, nhưng đã lùi hạn hoàn thành sang năm 2023. Như vậy, cuối năm nay, công suất ngành xi măng sẽ đạt gần 117 triệu tấn.

Đáng chú ý, 3 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa - hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.

“Ngành xi măng đang tiếp tục dư cung ở quy mô lớn hơn, khi từ năm 2019 đến nay không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Cần phải xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo tin từ Bộ Xây dựng, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án dây chuyền xi măng 3 và 4 cho Công ty cổ phần Xi măng Đại Dương. Tuy nhiên, Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, quy định “Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm”.

“Như vậy, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án dây chuyền xi măng 3 và 4 cho Xi măng Đại Dương đã vượt tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg và chưa thực hiện việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP của Chính phủ”, đại diện Bộ Xây dựng khuyến cáo.

Công suất sản lượng của ngành xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn những năm đầu đổi mới, lên 107 triệu tấn năm 2021. Ngành xi măng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu. Sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiêu thụ toàn ngành với 42% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 21% của năm 2016.

Nguồn: VNCA