Cước vận tải “hạ nhiệt” chậm dù xăng dầu giảm giá mạnh

Admin

Năm lần liên tiếp giảm giá xăng, dầu giúp “hạ nhiệt” cơn sốt về giá nhiên liệu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vận tải thực hiện giảm giá cước vẫn còn khiêm tốn.

Xu hướng giảm giá cước vận tải

Theo TTXVN, đánh giá về tình hình giảm giá cước trong lĩnh vực vận tải đường bộ, theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5-10%. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã đề nghị các quận, huyện yêu cầu các đơn vị tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị từng tăng giá trước đó. Đặc biệt, sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị tăng giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng, song khi giá nhiên liệu giảm lại không giảm giá cước.

Đại diện lãnh đạo một công ty vận tải có trụ sở tại Hà Nội cho hay, hiện đơn vị có 60 đầu xe khách chạy các tuyến cố định từ Hà Nội đi một số tỉnh phía Bắc sau khi giá xăng dầu giảm giá doanh nghiệp đã gửi hồ sơ kê khai giảm hơn 8% giá vé, dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 20/8 tới.

Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng phản ánh, công ty là khách hàng truyền thống của đường sắt nhiều năm qua chuyên thuê vận chuyển hàng quá cảnh giữa cảng Hải Phòng và Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu biến động liên tục nên đường sắt cũng tăng, giảm giá cước vận tải hàng hóa đường sắt nhiều đợt. Tuy nhiên, gần đây tổng tỷ lệ tăng là 5% và tổng tỷ lệ giảm cũng 5%, nên giá cước đã trở về như trước.

Ông Dương Văn Hùng chia sẻ thêm, việc tăng, giảm giá cước đường sắt không cao nên ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên, việc tăng giá cước dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiêu dùng & Dư luận - Cước vận tải “hạ nhiệt” chậm dù xăng dầu giảm giá mạnh

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển phản ánh, giá dầu cũng đang có xu hướng giảm 2 tháng qua. Ảnh minh họa từ internet 

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần cho biết, khi giá dầu tăng cao, cước vận tải hàng hóa đường sắt đến ngày 17/6/2022 đã tăng đến 5%. Khi giá dầu giảm, đến ngày 5/8/2022 cước đường sắt cũng giảm đến 5%.

Trong khi đó đại diện Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho hay, riêng từ đầu tháng 8 đến nay, công ty đã giảm giá cước hàng hóa trên đường sắt 8-10%. Còn tính cả giai đoạn, giá nhiên liệu bắt đầu hạ nhiệt và đến nay giá cước sau nhiều lần giảm đã giảm sâu đến từ 19-20%.

Tuy nhiên, đại diện Ratraco cho hay, đối với vận tải đường sắt, nếu chỉ tính giá cước hàng chạy trên đường sắt từ ga đến ga không cao, giá vận tải còn bao gồm nhiều chi phí dịch vụ, hậu cần khác như chi phí bốc xếp, lưu kho, vận tải đường ngắn bằng ô tô hai đầu... Do đó, để việc thực hiện hợp đồng vận tải, dịch vụ trọn gói được thuận lợi, ngay trong điều khoản hợp đồng, công ty và khách hàng đã thống nhất chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ 35% giá dịch vụ.

Vì thế, khi giá nhiên liệu tăng, giảm tỷ lệ bao nhiêu thì chi phí này sẽ tự động tăng, giảm với tỷ lệ tương ứng. Chẳng hạn, giá nhiên liệu trên thị trường giảm 3% thì chi phí nhiêu liệu trong giá dịch vụ giảm 3%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) Đỗ Văn Hoan, cho biết, đường sắt bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng. Từ 15/7/2022 đến nay, công ty đã giảm tổng cộng 5% giá cước vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phải thông báo trước, công khai, rõ ràng với khách hàng...

Giá cước vận tải biển được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht DaNang), cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế. Tuy nhiên, giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn.

Theo khảo sát giá cước vận tải niêm yết mới nhất của một số doanh nghiệp vận tải biển, tuyến vận tải Hải Phòng – Tp. Hồ Chí Minh có giá dao động khoảng 9,2 - 10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12,4 triệu - 15,7 triệu đồng/container 40 feet (tùy loại). Chiều Tp. Hồ Chí Minh - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6 - 10 triệu đồng/container 20 feet và 9 - 15,4 triệu đồng/container 40 feet.

Một doanh nghiệp vận tải biển cho hay, thực tế chiều Tp. Hồ Chí Minh ra Hải Phòng đang giảm 15% so với thời điểm lập đỉnh. Ở chiều ngược lại, giá cước đã giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm ở thị trường vận tải nội địa không hẳn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu mà “do nhu cầu nội địa đang ở mức rất thấp”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển phản ánh, giá dầu cũng đang có xu hướng giảm 2 tháng qua.

Nhìn nhận chung về giá cước vận tải trong các lĩnh vực, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho thông tin, trong lĩnh vực đường bộ theo cáo nhanh của một số địa phương hiện một số hãng taxi đang kê khai giảm giá cước từ 6-12%, các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5-14%. Các lĩnh vực đường sắt, đường biển, hàng không giá cước cũng đang bắt đầu hạ nhiệt. Riêng với đường thủy nội địa từ đầu năm đến nay chưa tăng giá nên không kê khai giảm đợt này.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý giá và điều hành giá. Đồng thời chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND cấp tỉnh một mặt hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc kê khai giá để đảm bảo tình hình xăng dầu giảm giá; một mặt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, mặc dù thị trường đã ghi nhận dấu hiệu giảm giá cước vận tải nhưng số lượng doanh nghiệp thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường.

Quan trọng nhất là bình ổn giá xăng, dầu

Theo Kinh tế & Đô thị, trước diễn biến mới của giá xăng, dầu trên thị trường, vừa qua Bộ GTVT có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Ngay sau đó, Sở GTVT TP Hà Nội cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu 6 đợt, tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.

Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP cần rà soát các chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm; thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định. Tất cả các tổ chức cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn TP đều sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo các chuyên gia, thủ tục điều chỉnh giá cước đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô mà cụ thể là đối với xe khách và xe taxi hiện nay tương đối phức tạp.

Theo đó, doanh nghiệp nào muốn điều chỉnh giá cước thì phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, họ mới tiến hành niêm yết giá cước để hành khách biết. Từ lúc bắt đầu làm thủ tục đăng ký điều chỉnh giá cước đến khi chính thức niêm yết giá cước mới có khi mất cả tháng. Chính bởi thủ tục phức tạp và mất thời gian nên nhiều doanh nghiệp vận tải thường rất ngại điều chỉnh nếu không phải trong tình huống bất khả kháng.

Ngoài ra, cũng vì thời gian thực hiện thủ tục khá lâu nên nhiều khi lúc đăng ký điều chỉnh giá cước, thì giá xăng, dầu đang giảm nhưng đến khi giá cước mới được niêm yết, giá xăng, dầu đã quay đầu tăng (và ngược lại). Điều này khiến cho việc điều chỉnh giá cước không theo sát được với diễn biến thực tế trên thị trường.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá xăng, dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho lĩnh vực vận tải mà cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá xăng, dầu phải giữ được sự ổn định bởi đây là mặt hàng có tác động lớn lên gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.

“Không phải cứ xăng, dầu tăng là phải tăng giá cước vận tải và ngược lại. Cách làm này chỉ mang tính đối phó, không mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Điều quan trọng nhất vẫn là bình ổn được giá xăng, dầu để DN vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh còn người dân yên tâm mỗi khi gọi taxi hay bắt xe khách”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

Đào Vũ (T/h)