Shoe Lab, một cửa hàng có trụ sở tại Boston, Lincolnshire, bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2020 với tư cách là thợ sửa giày địa phương, chuyên làm sạch những đôi giày Adidas với giá 12 USD. Giờ đây, họ trở nên nổi tiếng khắp nước Anh với khả năng sửa sang hàng trăm đôi giày thuộc các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Balenciaga, Louis Vuitton mỗi tuần.
Mỗi ngày, cửa hàng nhận phục hồi những đôi giày cũ. Thợ ở đây làm tốt đến nỗi những người nổi tiếng như ca sĩ Kerry Katona hay cầu thủ cricket Ben Stokes và nhiều người có tầm ảnh hưởng khác cũng đều tìm đến. Công việc phục chế giày đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và tốn nhiều công sức. Nhân viên Andreia Pacheco của cửa hàng cho biết cô dành 20 phút để sửa được duy nhất một chiếc logo Alexander McQueen.
Cửa hàng chuyên phục chế giày hàng hiệu có trụ ở sở ở Vương quốc Anh. Ảnh: Shoe Lab
Những người sáng lập của Shoe Lab hoạt động dựa trên niềm tin rằng nhiều thương hiệu giày cao cấp không quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ của giày. Điều này vô tình tạo ra cơ hội cho các cửa hàng sửa chữa. Người đồng sáng lập Luke Goodyear, 32 tuổi, cho biết anh sẽ không bao giờ mua một đôi giày thể thao từ nhãn hiệu Thụy Điển Axel Arigato hoặc Burberry bởi vì mực có xu hướng bị nhòe. Còn những đôi giày Christian Louboutin thì rất dễ bị rơi đinh, thậm chí, có khách hàng còn bị rơi mất 25 chiếc trong tổng số 100 chiếc đinh gắn trên đôi giày của mình.
Ông chủ Shoe Lab nhận thấy việc kinh doanh lặp lại tốt nhất đến từ các chủ sở hữu của giày Louboutin, những người thường yêu cầu làm lớp màng bảo vệ màu đỏ ở dưới đế. Nhiều người tiết kiệm tiền cả năm mới mua được giày nên họ sẵn sàng bỏ tiền để mua dịch vụ này. Lý do vì sao lại như vậy? Bởi phần đế đỏ rất quan trọng, gần như là đặc điểm nhận dạng một đôi giày Louboutin. Thông thường, các cô gái đăng ảnh lên mạng xã hội, sẽ không có cô nào đứng im một chỗ mà sẽ phải tìm cách tạo dáng để khoe được gót giày đỏ trứ danh.
Có nhiều khách hàng gửi một lúc hàng chục đôi giày đến Shoe Lab để sửa. Nguyên nhân phải sửa rất khác nhau, có người do chơi thể thao trong khi phụ nữ đi giày cao gót thường cố gắng dán mũi giày bằng keo mua ở cửa hàng tạp hóa khiến diện mạo của chúng trông lem nhem. Một nguyên do khác cũng khiến giày dép bị hỏng, đó là cho vào máy giặt. Hành động này nghiêm cấm với giày da.
Mỗi đôi giày thuộc mỗi hãng sẽ có đặc tính và nguyên nhân gây hỏng khác nhau. Ảnh: Shoe Lab
Theo SCMP, nhu cầu đối với giày dép hàng hiệu ngày càng lớn. Tờ báo mô tả một “người nghiện giày” khi sở hữu đôi giày trị giá 42.400 USD và thậm chí phải làm giá đỡ để có thể trưng bày hết. Thậm chí, đến cả trẻ em cũng biết về hàng hiệu, khi chúng yêu cầu Alexander McQueens làm quà Giáng sinh thay vì các loại đồ chơi khác. Vì càng có nhiều giày hiệu, nếu chúng hỏng, các tiệm sửa giày như Shoe Lab sẽ càng có doanh thu.