Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, ngày 11/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2022.
Thảo luận về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo này và cho rằng, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 có bố cục rõ ràng hơn, cơ bản chất lượng tốt, công tác dân nguyện ngày càng đi vào nề nếp.
Góp ý về tình hình kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đánh giá kiến nghị của cử tri nêu trong Báo cáo, tập trung nhiều vào vấn đề giá cả các mặt hàng tăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung thêm kiến nghị là cử tri lo lắng, băn khoăn tình trạng các cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư.
Đồng tình với quan điểm của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Báo cáo cần có sự so sánh giữa các thời kỳ để biết được các tháng tiếp theo có sự chuyển biến như thế nào, có so sánh đánh giá thời gian vừa qua. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có phần mềm quốc gia về xử lý đơn thư. Được biết, thời gian qua, đơn trùng lặp rất nhiều, có đơn tháng nào cũng gửi, do vậy cần có phần mềm xử lý để biết các vụ việc giải quyết đến đâu, cơ quan nào đã xử lý, từ đó loại bớt các đơn thư trùng lặp.
Cho ý kiến vào Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cơ bản Báo cáo chất lượng tốt, về kết cấu, báo cáo tập trung vào công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, có phần nhìn lại 6 tháng năm 2022.
Tuy nhiên, cần đánh giá những gì có chuyển biến tích cực, chuyển biến bước đầu, cái gì chưa chuyển biến, nằm ở đâu, khối nào để kịp thời có kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Trên cơ sở Báo cáo này và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện thêm để có báo cáo công tác dân nguyện chính thức gửi cho Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh thành, các vị ĐBQH.
Thực tế hiện nay, dư luận nổi lên nhiều vấn đề, cử tri lo lắng vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cũng nhiều. Chính phủ đã có phản ứng tức thời và quyết liệt đối với các vấn đề này.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo dân nguyện nên có kiến nghị, đề xuất là ngoài chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, không chỉ riêng Báo cáo này, các vấn đề nổi lên thì nên như nào để tháng 10 năm nay Quốc hội họp tại kỳ họp thứ 4 có báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội.
Nếu không vào cuộc từ sớm thì sẽ không có đầy đủ dữ liệu cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội thẩm định một cách chính xác. Nên chăng có thêm kiến nghị đối với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.
Đối với các Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, ngoài các Bộ, ngành nắm được nội dung Báo cáo này thì địa phương có cần nắm được nội dung này không? Theo Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo này nên kiến nghị các Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp nắm được tình hình để kịp thời có giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ tình trạng mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, ngoài trách nhiệm của các cơ quan điều hành thì có trách nhiệm của cơ quan giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Đoàn ĐBQH cũng nên vào cuộc nội dung này, và nên có báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm được tổng quan tình hình.
Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các nội dung mà Ban Dân nguyện nêu lên trong Báo cáo rất đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo nên có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội. Chất lượng kỳ họp ngày càng sát với thực tiễn, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.
“Nên chăng cần phải thu thập hồ sơ các vụ việc phức tạp, kéo dài, cái nào giải quyết được ngay, cái gì tập trung giải quyết, cái nào sau này phải đưa vào nghị quyết Quốc hội giám sát tối cao để kiểm đếm, thống kê, tiếp tục phân tách ra, cái nào đưa vào diện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ để xử lý”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng đề nghị nên bổ sung các nội dung này, hoàn thiện báo cáo kịp thời gửi đến cho Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan trực tiếp làm việc này như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, các bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và cho các vị đại biểu Quốc hội, có những ý kiến nghị rất cụ thể, rõ ràng.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng cử tri trên địa bàn để báo cáo Quốc hội; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các địa phương khẩn trương xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền.