Còn bất cập tại khâu trung gian hàng hóa

Admin

Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều nên nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều, còn người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, giá thịt lợn duy trì ở mức cao. Tại nhiều chợ dân sinh, giá thịt lợn phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay cả khi giá lợn hơi hạ nhiệt, giá thịt ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều khiến cả người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. 

"Giá thịt lợn ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm", lãnh đạo Bộ NN-PTNT thừa nhận.

Trao đổi với Báo Tin tức, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh, nếu không nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn về khâu trung gian hàng hóa và có phương án quản lý, thì câu chuyện “té nước theo mưa”, “tăng nhanh, giảm chậm” sẽ khó chấm dứt. 

Kinh nghiệm từ các nước, nêu ví dụ như Hàn Quốc, họ xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Hiện nay tại Việt Nam, theo lộ trình cung ứng, một viên thuốc, một con lợn, một con cá… đi từ người sản xuất đến bán buôn, bán lẻ, hay lò mổ, siêu thị mới đến người tiêu dùng.

Cho rằng "cần phải có một chương trình nghị sự về vấn đề này", chuyên gia này chia sẻ thêm: Thậm chí ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn. Ví dụ, một kg đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác.

Xu hướng thị trường - Còn bất cập tại khâu trung gian hàng hóa

Nếu không nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn về khâu trung gian hàng hóa và có phương án quản lý, thì câu chuyện “té nước theo mưa”, “tăng nhanh, giảm chậm” sẽ khó chấm dứt. 

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo ngân hàng BIDV cũng chia sẻ thêm: Một trong những điểm nghẽn từ lâu ở Việt Nam là chi phí về logistics còn cao. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí logistics vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian. Theo đó, cần làm rõ chi phí ở khâu nào tăng quá cao, cần phải công khai minh bạch, không đánh đồng với những khâu trung gian khác. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan bộ ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của Việt Nam còn cao khiến doanh nghiệp tính luôn vào giá thành. 

Trước tình trạng giá cả hàng hoá neo cao, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bà Đinh Thị Nương cho biết, trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.

Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu; tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến cái chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.

Xu hướng thị trường - Còn bất cập tại khâu trung gian hàng hóa (Hình 2).

Người dân thắt chặt chi tiêu vì thu nhập giảm mà giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tăng.

Theo bà Đinh Thị Nương, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần có thời gian, độ trễ để rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó, mới xác định giá bán giảm theo đà của giá xăng, dầu. 

“Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể kéo dài hàng tháng hay mấy tháng. Chỉ sau một vài tuần, các doanh nghiệp cần điều chỉnh ngay; sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa; người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá nhiều mặt hàng vẫn không hạ”, ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Dự báo đến cuối năm các mặt hàng thiết yếu có những dự báo biến động phức tạp khó lường. Giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như: Xăng dầu, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước… vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giao thông vận tải, giáo dục dạy nghề thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng Nhà nước quản lý, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn có thể xuất hiện và xảy ra, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, năm 2022, bà Đinh Thị Nương cho rằng Chính phủ sẽ hoàn thành chỉ tiêu kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra là 4%. Đối với việc bình ổn giá cả thị trường, theo đại diện Cục Quản lý giá, trong trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn, căn cứ các quy định pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Báo Chính phủ, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ mong muốn, tới đây chúng ta phải thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội vàng, cơ hội ngàn năm có một để chúng ta thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, giúp công khai, minh bạch.

Ông ủng hộ việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải vừa qua đã quyết liệt triển khai thanh toán phí không dừng của Bộ Giao thông vận tải.

"Rõ ràng bây giờ đường không bị ách tắc nữa rồi. Thứ hai là rất công khai, minh bạch và xin thưa, đấy là một trong hai biện pháp rất quan trọng theo nghiên cứu của quốc tế để phòng, chống tham nhũng. Không tiền mặt lập tức chuyện phòng, chống tham nhũng sẽ được đẩy lên rất tốt".

Bên cạnh đó cũng cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao.

"Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của chúng ta cao quá". Và đương nhiên, doanh nghiệp tính luôn vào giá thành.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, "giá đất của chúng ta đâu đó vào khoảng 20-25% là chi phí giao dịch, tức là người ta đã tính vào giá mua nhà, bán nhà và cuối cùng người dân, người mua nhà phải chịu", TS.Cấn Văn Lực cho rằng giảm bớt chi phí thủ tục hành chính là một khâu rất quan trọng để quản lý giá hiệu quả.

Hương Anh (tổng hợp)