Chuyên gia “mách nước” cách ăn uống cho nhanh khỏi sốt xuất huyết

Admin

Người bị sốt xuất huyết luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn uống. Vì thế sốt xuất huyết nên ăn gì là vấn đề cần được quan tâm để bổ sung chất dinh dưỡng.

Dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh do virus Dengue gây ra và lây truyền do muỗi vằn (Aedeses aegypti) truyền virus từ người bệnh sang người lành.

Theo BSCK II Nguyễn Thùy Dương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt: Thường trong 3-4 ngày đầu, bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên.

Người bệnh thường chán ăn, có cảm giác buồn nôn và nôn. Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.

Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, khó phân biệt với nhiễm các loại virus khác như cúm, sốt do Covid-19…

Giai đoạn nguy hiểm: (hay gọi là giai đoạn xuất huyết): Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.

Bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì, kiêng gì cho mau khỏi?

Sức khỏe - Chuyên gia “mách nước” cách ăn uống cho nhanh khỏi sốt xuất huyết

Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.

Những thứ nên ăn và uống: Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM chia sẻ trên Vietnamnet, chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cơ thể người bệnh tăng đề kháng và phục hồi sớm.

Ưu tiên hàng đầu với người bệnh sốt xuất huyết là bù nước.

Người bệnh có thể bù nước bằng các dung dịch điện giải hoặc oresol, tăng cường uống nước trái cây, nước ép. Ví dụ như nước bưởi ép, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi. Các loại trái cây này cung cấp vitamin C và khoáng chất giúp hạn chế tình trạng sốc.

Khi bị bệnh sốt xuất huyết chúng ta thường mệt mỏi, đau cơ, đau toàn thân, nôn ói nên việc ăn uống sẽ ít hơn bình thường. Vì vậy, cần lựa chọn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp.

Trong các bữa ăn chính nên có thực phẩm nhiều chất đạm như thịt cá, sữa; các loại rau củ màu vàng cam đậm, xanh đậm như cà rốt, bồ ngót, rau cải, đu đủ chín… có nhiều vitamin A, C.

Riêng đối với trẻ em đang còn bú mẹ, sữa là thực phẩm rất quan trọng. Mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, theo nhu cầu của trẻ.

Lưu ý: Nếu trẻ bị bệnh trong giai đoạn ăn dặm, nên chia nhỏ cữ ăn thành nhiều lần. Mỗi bữa ăn ít hơn bình thường, xen kẽ, không quên bù nước. Thức ăn cần mềm, dễ tiêu, dễ hấp thu như cháo, súp…

Sau giai đoạn sốt, trẻ vui chơi trở lại, chế độ ăn cần đầy đủ dinh dưỡng nhằm hạn chế việc sút cân.

Kiêng ăn gì: Người bệnh sốt xuất huyết có thể bị xuất huyết tiêu hóa. Biểu hiện thường gặp là phân có màu đen, nôn ra chất màu nâu sẫm. Đây là dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm. Khi ăn thức ăn có màu sẫm, người bệnh sẽ không phân biệt được nếu bị xuất huyết trong.

Do đó, cần tránh ăn đồ có màu nâu, đỏ như huyết, củ dền... khi bị sốt xuất huyết.

Người bệnh cần hạn chế uống nước ngọt, cà phê, các thực phẩm nhiều chất béo, các món chiên rán (nhiều dầu mỡ cũng sẽ gây khó tiêu), thực phẩm chua cay (làm axit tích tụ trong dạ dày dẫn đến tổn thương và loét thành mạch).

Các thực phẩm nói trên không có lợi cho việc phục hồi cơ thể người bệnh sốt xuất huyết.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Người dân có thể loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Để phòng chống muỗi đốt, người dân cần:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Trúc Chi (t/h)