Trở lại sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, thị trường chuỗi bán lẻ trà và cà phê ở Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của những cái tên tưởng cũ mà mới như Phúc Long Coffee & Tea, PhinDeli Café, Katinat, Café Amazon… Bởi đằng sau đó là nhiều đại gia trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng nhanh…
Đua nhau mở rộng
Điển hình là PhinDeli Café sau khi về tay Nova Service (một thành viên của Tập đoàn Nova) năm 2021, thương hiệu này gần như "thay da đổi thịt" hoàn toàn và tốc độ mở chuỗi tăng chóng mặt. Hiện PhinDeli Café đã có hơn 20 cửa hàng với diện tích lớn tại những vị trí đắc địa ở TP HCM như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngã sáu Phù Đổng, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo (quận 1); vòng xoay Hồ Con Rùa (quận 3); Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… Ngoài ra, PhinDeli Café còn xuất hiện ở khắp các khu đô thị, phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng của Tập đoàn Nova tại nhiều tỉnh, thành.
Đại diện Nova Service cho biết trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu phát triển 100 cửa hàng, ki-ốt PhinDeli Café trên cả nước. Đến năm 2026 sẽ nâng lên 2.500 cửa hàng tại Việt Nam và nước ngoài như Bắc Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài PhinDeli Café, Nova Service còn nắm nhiều thương hiệu trà và cà phê khác trải dài từ phân khúc trung đến cao cấp như Gloria Jean’s Coffees Vietnam, Cô Ba, Beach Club Coffee, Kalea Coffee…. Dù tổng số cửa hàng chưa nhiều nhưng Nova Service vẫn đang được xem là một thế lực mới đáng gờm trong thị trường trà và cà phê Việt Nam.
Các bàn tư vấn nhượng quyền mở quán cà phê kín khách, khách hàng và nhân viên đứng để trao đổi tại Show Cafe vừa diễn ra ở TP HCM Ảnh: AN NA
Có tốc độ mở chuỗi nhanh không kém là Katinat Saigon Kafe. Thương hiệu cà phê này thành lập năm 2016, đến cuối năm 2021 mới chỉ có 10 cửa hàng cà phê nhỏ nằm rải rác ở trung tâm TP HCM. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, Katinat Saigon Kafe đã có 33 cửa hàng cỡ lớn ở nhiều vị trí đắc địa tại TP HCM và các tỉnh lân cận; được nhiều người biết đến nhờ sự thay đổi lớn về thiết kế, nhận diện thương hiệu, màu sắc của cửa hàng… Mục tiêu của thương hiệu này là mở rộng chuỗi lên 50 cửa hàng trong tương lai.
Tương tự, Phúc Long Coffee & Tea sau khi về chung nhà với Tập đoàn Masan năm 2021, đến giữa năm 2022, thương hiệu này đã mở rộng hệ thống lên 93 cửa hàng riêng lẻ và 981 ki-ốt tích hợp trong chuỗi siêu thị WinMart. Theo kế hoạch của Masan, số cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea và ki-ốt sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm bởi đây là mảng kinh doanh đang mang lại tăng trưởng doanh thu lớn cho tập đoàn.
Trong khi đó, Café Amazon (thành viên của Tập đoàn Central) và là một trong những nhãn hiệu cà phê lớn nhất Thái Lan với hơn 3.000 cửa hàng, dù có mặt tại Việt Nam từ năm 2019 nhưng do dịch Covid-19 nên kế hoạch mở chuỗi của thương hiệu này bị chậm lại. Đến nay, mới có 12 cửa hàng Café Amazon được mở tại Việt Nam (trong đó 9 cửa hàng tại TP HCM) và chủ yếu đặt tại các trung tâm thương mại thuộc Tập đoàn Central. Tuy nhiên, tranh thủ sự phục hồi của thị trường, Tập đoàn Central đặt kế hoạch mở thêm 26 cửa hàng Café Amazon ở khu vực phía Nam trong năm nay và hướng đến mở rộng trên toàn quốc trong tương lai. Để đẩy nhanh sự hiện diện của chuỗi, thương hiệu này sẽ tập trung vào chiến lược nhượng quyền thương mại.
Với The Coffee House, sau khi đóng cửa hơn 40 cửa hàng trong 2 năm đại dịch, chuỗi này hiện đã lấy lại được số cửa hàng bằng với trước dịch là 157. Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành The Coffee House, cho biết công thức thành công để mở chuỗi trước dịch không thể áp dụng trong hiện tại bởi sự trải nghiệm của khách hàng đã thay đổi sau dịch Covid-19. Vì vậy, giai đoạn này công ty không chạy đua mở chuỗi mà tìm kiếm giá trị phù hợp hơn. "Khách hàng hiện có nhu cầu trải nghiệm sản phẩm nhiều hơn nên liên tục trong thời gian qua, chúng tôi tập trung vào sản phẩm, giới thiệu những bộ sản phẩm mới và tạo được ấn tượng tốt, "gây thương nhớ" với từng nhóm khách hàng" - ông Kha chia sẻ.
Cá tính hóa, chuyên nghiệp hóa để tồn tại
Ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc điều hành Công ty FnB Directo, chuyên gia đào tạo về chiến lược kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống (F&B) - cho biết ông đang tư vấn cho một số chuỗi cà phê mới sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
"So với trước dịch, các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách khoa học và chuyên nghiệp hơn bằng việc tham gia các khóa đào tạo khi đang và sắp mở quán. Không như trước, nhiều người cứ bỏ tiền và lao vào làm nên phải trả giá rất nhiều do hoạt động thiếu chuyên nghiệp, quyết định cảm tính. Do đó, trong vài năm tới, triển vọng của ngành được kỳ vọng lạc quan, tăng trưởng cao" - ông Đỗ Duy Thanh nhận xét.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thanh, ngành F&B đang gặp áp lực lớn về chi phí đầu tư và các chuỗi đang phải ứng phó linh hoạt để giữ khách chứ không đơn giản là tăng giá thực đơn tương ứng vì thị trường Việt Nam rất nhạy cảm về giá. Nhiều hệ thống đang làm lại thực đơn theo hướng gia tăng các món tốt cho sức khỏe nhưng giá vốn thấp, giảm những món tốn nhiều nhân công để tăng hiệu quả kinh doanh.
"Thị trường cà phê có nhiều chuỗi mới nhưng không có phong cách rõ ràng nên khách hàng không trung thành và dễ rơi vào cạnh tranh về giá. Khi cá tính hóa một chuỗi cà phê (ví dụ theo phong cách Nhật Bản hay Hàn Quốc) thì nhà đầu tư giới hạn thị trường nhưng cũng tạo được lượng khách trung thành và có thể cạnh tranh được với các chuỗi cà phê nổi tiếng lâu năm" - ông Đỗ Duy Thanh gợi ý.
Ông Trần Thế Vũ Thanh, Giám đốc kinh doanh iPOS.vn - cung cấp giải pháp quản lý ngành F&B khu vực miền Nam, nhận định ngành F&B Việt Nam đang chuyển mình tích cực. "Từ đầu năm đến nay, khách hàng tìm đến chúng tôi tăng đột biến, họ cần những công cụ để tối ưu hóa quản lý, dùng công nghệ để có dữ liệu chính xác, giúp họ đưa ra các quyết định chính xác hơn. Có thể nói, số hóa đang là giải pháp giúp ngành F&B giải quyết vấn đề vận hành một cách hiệu quả" - ông Trần Thế Vũ Thanh nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết thị trường cà phê dạng chuỗi đang đứng trước ngưỡng bão hòa nên xác suất thành công phụ thuộc vào doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn hoặc có nguồn vốn lớn, có chuỗi giá trị hỗ trợ.
"Bản chất cà phê là uống ngay, lợi nhuận trên giá vốn lớn nên dễ kiếm lời nhưng không còn là thị trường béo bở. Trong bối cảnh như vậy, một số chuỗi phát triển thêm sản phẩm phụ hoặc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm tối ưu hóa mặt bằng, bảo đảm lợi nhuận trên mỗi mét vuông diện tích. Quan trọng là khi mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác ngoài cà phê và nước uống, doanh nghiệp phải giữ được bản sắc cốt lõi, cũng là gìn giữ, phát huy sự khác biệt để tồn tại" - ông Quang nói thêm.
Ăn theo danh tiếng nghệ sĩ
Không có những đại gia đứng sau chống lưng nhưng các chuỗi cà phê do giới showbiz đứng ra kinh doanh cũng làm ăn khá tốt nhờ danh tiếng của nghệ sĩ. Như chuỗi cà phê The Bunny của ca sĩ Ngô Kiến Huy ra mắt vào năm 2020 vẫn tồn tại được qua 2 năm dịch Covid-19 và đã mở rộng lên 3 chi nhánh tại các vị trí đắc địa ở TP HCM.
Ngô Kiến Huy, hiện là Giám đốc điều hành The Bunny, cho biết tình hình kinh doanh tại các cửa hàng đều tốt, khách đông và bắt đầu có lợi nhuận giữa bối cảnh cạnh tranh ở phân khúc này gay gắt hơn.
"Sau dịch, khách hàng trở nên khó tính hơn nên chúng tôi phải gia tăng thêm giá trị bằng việc cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Từ nay đến cuối năm, The Bunny sẽ mở thêm 3 chi nhánh tại miền Trung và miền Bắc cũng như nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê viên nén không chỉ phục vụ trong nước mà tiến đến xuất khẩu" - Ngô Kiến Huy cho biết.