Chứng khoán Phố Wall khởi sắc sau khi lao dốc

Admin

Một số nhà đầu tư và chiến lược gia cho biết thị trường có thể đã phản ứng quá mức vào hôm 13/9.

Chứng khoán Phố Wall đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hôm 14/9, phục hồi nhẹ từ phiên giao dịch đầy biến động sau khi báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ cho thấy lạm phát tăng cao hơn dự kiến.

Chỉ số S&P 500 tăng 13,32 điểm (0,3%), lên 3946,01sau khi giảm tới 4,3% trong đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020.

Chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng 30,12 điểm, (0,1%), lên 31135,09.

Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,10 điểm, (0,7%), lên 11719,68.

Thị trường chứng khoán đang trải qua “sự thiết lập lại kỳ vọng”, theo ông Daniel Berkowitz, Giám đốc đầu tư cấp cao tại Công ty Dịch vụ quản lý đầu tư Prudent Management Associates. “Thị trường đang cố gắng tìm lại chỗ đứng của nó”, ông nhận định.

Nằm trong số những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, cổ phiếu Moderna đã tăng thêm 8,10 USD, tương đương 6,2%, lên 139,40 USD sau khi Giám đốc điều hành Moderna cho biết, công ty sẵn sàng cung cấp vắc xin Covid cho Trung Quốc.

Cổ phiếu Starbucks đã tăng 4,86 USD tương đương 5,5%, lên 92,70 USD sau khi chuỗi cà phê nâng triển vọng tài chính dài hạn của mình. Công ty hiện nhận thấy mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu đã điều chỉnh trong 3 năm tới là 15% đến 20%, tăng so với dự báo trước đó là 10% đến 12%.

Xu hướng thị trường - Chứng khoán Phố Wall khởi sắc sau khi lao dốc

Các chỉ số tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/9. Ảnh: Investing

Hôm 14/9, chỉ số Nasdaq giảm hơn 5%, chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% và Dow Jones giảm gần 4% sau khi báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ được công bố.

Một số nhà đầu tư và chiến lược gia cho biết thị trường có thể đã phản ứng quá mức vào hôm 13/9, bởi trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát.

Sáng 14/9, một báo cáo khác cũng cho thấy giá sản xuất tháng 8 tại Mỹ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự đoán là 8,8%. Kết quả này cũng giảm so với mức 9,8% trong tháng 7. Chi phí leo thang khiến các công ty phải tiếp tục nâng giá.

Những báo cáo đưa ra khiến Cục Dự trữ Liên bang có khả năng tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ cao hơn thay vì giảm xuống. Trước đó, thị trường kỳ vọng trong cuộc họp tuần sau, Fed sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang lên 0,75 điểm phần trăm. Bây giờ, có 36% các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên 1 điểm phần trăm.

Báo cáo hôm 13/9 cho thấy lạm phát vẫn là một vấn đề dai dẳng mà Fed sẽ cần phải tiếp tục mạnh tay kiểm soát, do đó thị trường sẽ khó có thể hạ cánh mềm, theo chiến lược gia Charlie McElligott tại công ty Nomura.

“Lạm phát kéo dài càng lâu và lãi suất duy trì ở mức càng cao, thì khả năng Fed đạt được “hạ cánh mềm” càng thấp”, ông Eric Sterner, Giám đốc đầu tư của Apollon Wealth Management cho biết.

Ở một diễn biến khác, giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng 0,74% lên 87,94 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 0,71% lên 93,82 USD.

Vàng giảm 0,42% xuống 1.694,43 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 1,7 điểm cơ bản xuống 3,406%.

Bitcoin tăng o.o3% lên 19.848,02 USD.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 xuyên lục địa mất 0,9%. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,5%, sau khi dữ liệu lạm phát của Anh cho thấy giá tiêu dùng cốt lõi tăng lên 6,3% tính vào tháng 8, từ mức 6,2% trong tháng 7, ngay cả khi lạm phát nói chung giảm nhẹ.

Liên minh châu Âu đang tìm kiếm khoản thuế trị giá 140 tỷ USD từ các công ty năng lượng giá rẻ để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng cao của lục địa này.

Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 2,5% và chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu lớn nhất niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 1,1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,8%.

Nguyễn Tuyết (Theo Business Insider, Barron’s, WSJ)