Theo tờ The Guardian (Anh), một tài liệu bị rò rỉ về dự thảo quản lý điện của châu Âu cho thấy việc áp trần khí đốt Nga không được đề cập.
Guardian cho biết văn bản cuối cùng vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên, bản dự thảo cũng chỉ ra sự nghi ngại của Ủy ban châu Âu (EC) về việc có đủ sự ủng hộ từ các nước thành viên nhằm áp trần khí đốt Nga.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được kỳ vọng công bố kế hoạch đối phó với giá điện tăng vọt tại châu Âu vào thứ 4 (14/9), khi đọc diễn văn thường niên. Tuần trước, các nước thành viên EU đã không thể thống nhất về các quy định này.
Ảnh minh họa.
Các quốc gia EU nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga. Trong đó, Hungary, Slovakia và Áo đã lên tiếng phản đối việc áp trần do lo ngại Điện Kremlin sẽ ngăn chặn tất cả các dòng chảy khí đốt, đẩy những nước này vào suy thoái. Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay cho hay sẽ ngừng xuất khẩu năng lượng đến các nước tham gia áp trần.
Trong khi đó, hơn 10 nước khác, gồm cả Pháp và Ba Lan, lại thể hiện sự ủng hộ với trần giá. Họ cho rằng đây là cách tốt để kiềm chế giá khí đốt đang tăng cao.
Dù vậy, chính EC cũng không mấy hào hứng với ý tưởng này, vì lo ngại EU sẽ mất lợi thế trước các nước sẵn sàng trả nhiều hơn để mua khí thiên nhiên hóa lỏng.
Khi các nước chia rẽ quan điểm, EC - cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các đề xuất pháp lý trong EU - sẽ phải theo đuổi các chính sách nhằm đoàn kết 27 thành viên.
Các chính phủ EU khá đồng thuận về việc áp trần giá điện với doanh nghiệp sản xuất điện từ các nguồn có khí thải carbon thấp, như năng lượng tái tạo hay điện nguyên tử. Số tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng cao.
Các công ty dầu khí cũng sẽ đối mặt với thuế lợi nhuận bất thường. Theo tài liệu Guardian có được, EC ước tính lợi nhuận các công ty trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và than đá tăng gấp 5 trong năm nay. Mức tăng này không đến từ lựa chọn kinh doanh hay đầu tư, mà từ "diễn biến bất ngờ trên thị trường năng lượng sau cuộc chiến tại Ukraine". Tuy nhiên, văn bản không có mức thuế đề xuất.
Các nước thành viên cũng kêu gọi giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể nào được đưa ra.
Theo Reuters, một số quốc gia thành viên EU đã kêu gọi áp dụng mức trần giá đối với tất cả khí đốt mà EU nhập khẩu, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar và khí đốt không hóa lỏng qua đường ống từ Na Uy.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO, Liên minh châu Âu nên áp dụng một kế hoạch triệt để nhằm cắt giảm chi phí năng lượng bằng cách giới hạn mức giá phải trả cho khí đốt nhập khẩu từ bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Đề xuất của De Croo vượt xa kế hoạch chi tiết của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã đề xuất giới hạn toàn khối chỉ đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga.
De Croo cho biết giá khí đốt châu Á hiện bằng khoảng một nửa so với giá ở châu Âu. Ông giải thích, nếu châu Âu đặt giới hạn giá cao hơn 5% so với châu Á, tất cả các nhà giao dịch trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở châu Âu, bởi vì họ sẽ nhận được mức giá hấp dẫn hơn châu Á.
Châu Âu đang gặp khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy khiến chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Cao ủy Năng lượng châu Âu, bà Kadri Simson cho biết động thái này có nhiều rủi ro: "Ý tưởng về giá trần chung, bao gồm cả LNG nhập khẩu, có thể tạo ra thách thức với an ninh năng lượng bởi thị trường LNG mang tính toàn cầu. EU không nằm trong ba nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, và sự cạnh tranh hiện đang rất lớn".
"Ưu tiên hàng đầu iện tại là tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt của Nga", bà cho biết.
Na Uy từng có động thái sẵn sàng thương lượng về giá trần khí đốt và hợp đồng dài hạn để giúp đỡ các đối tác châu Âu của mình.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, ông Gahr Stoere, người trước đó đã tuyên bố rằng "Na Uy không từ chối bất cứ thảo luận nào về giá trần", lại khẳng định rằng chính phủ Na Uy không thể trực tiếp đưa ra mức giá khí đốt.
“Tôi đã nói với các đồng nghiệp châu Âu rằng chính phủ Na Uy không phải là người bán khí đốt. Giấy phép được trao cho các công ty trả thuế cao, và sau đó những doanh nghiệp này là người bán năng lượng", ông giải thích với tờ VG của Na Uy.
Tham khảo: The Guardian, Reuters