Ca mắc Covid-19 gia tăng, lo ngại về biến thể phụ mới

Admin

Trong một tuần lại đây, ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam tiếp tục tăng, thậm chí có thời điểm trong 3 ngày liên tiếp, số ca mắc mới đều vượt mốc 2.000.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trên cả nước trong ngày 9/8 là 2.340 ca. Đây là số ca mắc cao nhất ghi nhận trong vòng nhiều tháng qua. Số bệnh nhân nặng phải thở oxy cũng tăng cao.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.351.563 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.460 ca nhiễm).

Toàn cảnh - Ca mắc Covid-19 gia tăng, lo ngại về biến thể phụ mới

Số ca mắc Covid-19 mới tăng cao. Ảnh: Bộ Y tế

Hà Nội phát hiện thêm 7 ca nhiễm biến chủng BA.5 và BA.4

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo số ca mắc trung bình của thành phố sẽ duy trì ở mức dưới 200 ca/ngày trong thời gian tới.

Trao đổi với báo chí, đại diện của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận kết quả giải trình tự gene do cơ sở y tế này thực hiện đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 và một ca nhiễm biến thể phụ BA.4. Như vậy, đến nay, Hà Nội đã ghi nhận cả 2 biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 trong cộng đồng.

Theo CDC Hà Nội, trong năm 2022, thành phố đã giải trình tự gene tổng cộng 318 mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong đó, biến chủng Omicron vẫn chiếm ưu thế và đã được phát hiện tại toàn bộ 30 quận, huyện với 296/318 mẫu (93%), 22/318 mẫu còn lại (7%) được xác định nhiễm biến chủng Delta.

Về tình hình dịch, trong tuần qua (tính đến ngày 5/8), Hà Nội ghi nhận tổng cộng 1.322 ca mắc, tăng 102 trường hợp so với tuần trước đó. Trong số này, thành phố không có trường hợp nào tử vong do Covid-19.

Cũng trong tuần qua, CDC Hà Nội đã gửi 19 mẫu bệnh phẩm cho Bệnh viện Bạch Mai để giải trình tự gene. Trong tuần tới, cơ quan này sẽ tiếp tục gửi thêm 19 mẫu bệnh phẩm khác từ các trung tâm y tế nhằm mục tiêu giám sát biến chủng SARS-CoV-2.

Toàn cảnh - Ca mắc Covid-19 gia tăng, lo ngại về biến thể phụ mới (Hình 2).

Ca mắc Covid-19 đang gia tăng.

Về việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Hà Nội đã tiêm cho nhóm 5-11 tuổi được 490.315 mũi một (đạt tỉ lệ 48,3%) và 172.334 mũi 2 (đạt 17%). Với nhóm 12-17 tuổi, số lượng mũi một đã tiêm là 712.383 (đạt tỉ lệ 99,9%), mũi 2 được 681.589 (99,7%) và mũi 3 là 132.473 (19,4%). Với người từ 18 tuổi trở lên, Hà Nội đã tiêm được 6.215.642 mũi một (đạt tỉ lệ 99,9%), 6.024.256 mũi 2 (100%), 229.247 mũi bổ sung (100%), 4.558.879 mũi nhắc lại lần một (97,7%), 870.423 mũi nhắc lại lần 2 (51,1%).

CDC Hà Nội nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Cơ quan này dự báo số ca mắc mới của thành phố trung bình trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức dưới 200 trường hợp/ngày.

80% bệnh nhân ở Tp.HCM khảo sát ở bệnh viện nhiễm BA.5

Tại Tp.HCM, khảo sát 30 bệnh nhân Covid-19 nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Tp.HCM) cho thấy, có đến 24 bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.5 (chiếm 80%), tiếp đến là biến thể phụ BA.2 với 4 bệnh nhân (chiếm 14%).

Theo báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố, trong tuần gần đây, trung bình mỗi ngày thành phố có 144 ca mắc Covid-19 mới, con số này vào 7 ngày trước đó là 134 ca. Kết quả giám sát biến chủng SARS-CoV-2 tại cộng đồng từ ngày 1/1 đến 15/7 với 429 mẫu cho thấy, biến chủng BA.2 của Omicron vẫn chiếm ưu thế.

Toàn cảnh - Ca mắc Covid-19 gia tăng, lo ngại về biến thể phụ mới (Hình 3).

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Riêng tuần 28 (từ ngày 18/7 đến 24/7), trong 23 mẫu xét nghiệm thì có 15 mẫu nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron (chiếm gần 70%). Thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron trong những tuần gần nhất.

Qua kết quả khảo sát 30 bệnh nhân nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Tp.HCM) từ ngày 14/7 đến 30/7, có đến 24 bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.5 (chiếm 80%), tiếp đến là biến thể phụ BA.2 với 4 bệnh nhân (chiếm 14%) và mỗi biến thể BA.1 và BA.4 có một bệnh nhân (chiếm 3%).

Cũng theo báo cáo, số ca Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Tp.HCM đang “leo thang” và có xu hướng tăng dần.

Nếu như ngày 12/7, thành phố có 26 ca điều trị tại bệnh viện, 15 ca nặng điều trị ở tầng 3 thì đến ngày 8/8 con số này tăng lần lượt là 163 ca điều trị ở bệnh viện, 38 ca nặng điều trị ở tầng 3.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, tương ứng với số ca mắc Covid-19 mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng. Trung bình có 35 ca nặng/ngày trong một tuần qua, con số ngày so với tuần trước đó là 18 ca/ngày. Hiện, có 7 ca thở máy, không có ca nào chạy ECMO. Các quận, huyện có số ca Covid-19 mới tăng trong 21 ngày vừa qua (từ ngày 16/7 đến 5/8) là quận 10, 12, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè.

Ngành y tế Tp.HCM đã và đang tiếp tục kêu gọi mỗi người dân khi đủ điều kiện, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ, trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch để duy trì miễn dịch.

Bình Dương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 biến chủng BA.4, BA.5

Theo tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa ghi nhận một trường hợp nhiễm BA.4 tỉnh này, bệnh nhân có địa chỉ ở Tp.Dĩ An sinh năm 2013. Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra qua trình dịch tễ, nguồn tiếp xúc của bệnh nhân này để có phương án phòng chống dịch.

Bên cạnh đó cũng ghi nhận thêm một ca mắc biến thể phụ BA.5 của Omicron, được xác định là nam giới, SN 1978, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân đã tiêm đủ 4 liều vắc-xin phòng Covid-19, từng nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh.

Trước đó, tại Bình Dương có 2 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron BA.5. Hai ca mắc ở huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát đều được phát hiện qua giám sát cộng đồng.

Hiện, ngành y tế Bình Dương đang tập trung điều tra, truy vết tìm nguồn lây và người tiếp xúc gần để dập dịch kịp thời. Ngành y tế tỉnh Bình Dương dự báo, các ca mắc biến thể mới BA.5 có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian khoảng 4- 6 tháng sau khi tiêm.

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đối với các biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây.

Do đó, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vắc-xin các mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca chuyển nặng và ca tử vong.

Nguy cơ tái nhiễm cao hơn

Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn, số ca mắc đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua, nếu không làm tốt công tác phòng dịch, ca mắc tiếp tục tăng cao có thể gây quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng sẽ tăng và tử vong sẽ tăng.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" rất lớn khi cùng lúc một số dịch bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng đang gia tăng. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn...

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang theo dõi một biến thể đáng quan tâm mới đang lây lan trong vài tuần tại Mỹ mang tên BA.4.6. Đây là biến thể phổ biến ở 4 khu vực, chiếm tỉ lệ ca mắc mới lên tới 10,7%. Các biến thể được xếp vào nhóm đáng lo ngại khi chúng cho thấy khả năng lây truyền cao hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng mức độ nghiêm trọng hoặc giảm khả năng trung hòa từ các kháng thể. Bắt đầu từ ngày 1/8, CDC Mỹ thêm BA.4.6 vào danh sách các biến thể phải theo dõi hàng tuần.

Vị chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng là phải lưu ý bảo vệ những người trong nhóm nguy cơ như người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vaccine, người suy giảm miễn dịch, tránh tình trạng những đối tượng này mắc Covid-19 sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, ca bệnh chuyển nặng dẫn đến tử vong.

Biện pháp bảo vệ hiện nay vẫn là dự phòng cá nhân như khử khuẩn, đeo khẩu trang trong môi trường kín, trong vùng nguy cơ cao như bệnh viện, nơi đông người, tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Bên cạnh đó cần phải tiêm vaccine mũi nhắc lại, nhằm hạn chế số ca mắc không tăng lên, không được để dịch bùng phát hay “vỡ trận”, gây quá tải hệ thống y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng một lần nữa khẳng định việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong.

“Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền”, ông Phu nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên kháng thể bảo vệ của vắc xin phòng Covid-19 suy giảm theo thời gian. Một số nhóm người chưa tiêm đủ liều vắc xin có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

 

M.Vy (T/h t Công an Nhân dân, VOV, Tuổi trẻ, Zing )