Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Hà Nội, đến tháng 7/2022 đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm. Tuy nhiên, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá chủ yếu người dân mắc cúm thông thường, không có độc lực mạnh.
Thuốc Tamiflu trị cúm A được bán với giá 650.000 đồng/hộp/10 viên tại một nhà thuốc ở Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Loạn giá thuốc điều trị cúm A
Tháng 7/2022, chị Nga (Hà Nội) có triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, đau người. Chị Nga nhận định mình mắc cúm và mua thuốc Tamiflu (thuốc chuyên điều trị cúm A) với giá 800.000 đồng/hộp/10 viên. Chị Nga cho biết: "Trước đó, năm ngoái chị có mua thuốc với giá hơn 500.000 đồng/hộp".
Tại một cửa hàng thuốc (quận Hà Đông, Hà Nội), người bán hàng cho biết mọi năm dịch cúm A thường xảy ra vào mùa đông xuân, lúc này các cửa hàng mới nhập hàng về nhiều. Năm nay, cúm A diễn biến bất thường khi số ca mắc tăng vào mùa hè nên nhiều cửa hàng không có thuốc để bán.
"Cửa hàng thuốc mới nhập Tamiflu hôm qua. Bình thường mỗi hộp có giá hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên bán ra cũng cao hơn. Nhiều người không có để mua, giá có khi lên đến 1 triệu đồng/hộp", người này cho hay.
Tương tự, tại một hiệu thuốc khác cũng cho biết vừa hôm qua giá thuốc là 580.000 đồng/hộp nhưng hôm nay đã lên 650.000 đồng/hộp.
"Thời gian này, nhiều người mắc cúm A nên các gia đình thường tích trữ. Thuốc uống trong 2 ngày đầu sẽ có tác dụng, hiệu quả nhất nên nhiều người mua sẵn để ở nhà. Chị không mua luôn sợ mai không có hàng đâu. Hôm qua một giá, hôm nay một giá khác rồi", người này nói.
Với thuốc Tamiflu, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá trên website: Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Không được tùy tiện sử dụng thuốc Tamiflu
TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết việc sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh.
"Người bệnh bị viêm phổi siêu vi cấp tính do cúm mới cân nhắc dùng Tamiflu hoặc người có bệnh nền tiểu đường mắc cúm A, có khả năng diễn biến nặng hơn mới dùng Tamiflu.
Tamiflu không sử dụng đại trà do bệnh nhân mắc cúm đa số tự khỏi. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc, không dự trữ thuốc Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc", bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nam, đối với trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.
Đặc biệt quan trọng là tiêm vắc xin cúm hằng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.
Ngoài ra, gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay (khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều...).
Theo Cục Y tế dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn.
Theo đó, người dân nên phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tiêm phòng vắc xin hằng năm. Đối với những người có bệnh lý nền cần theo dõi, đến thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.