Tội phạm cá cược trên mạng phức tạp, khó lường
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sáng 10/8, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng diễn biến phức tạp, khó lường. Lực lượng công an xử lý nhiều nhưng không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi hơn.
Đại biểu chất vấn: “Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân? Tôi nghĩ đã đến lúc nước ta phải cho phép thực hiện Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế để quản lý chặt chẽ hơn và thu được thuế, hạn chế tình trạng cá cược trên mạng. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?”.
Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06 ngày 24/1/2017 về kinh doanh đặt cá cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Đến ngày 4/10/2017 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06 năm 2017.
Theo đó, đối với việc đặt cược đua ngựa, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp phép về chủ trương đua ngựa tại trường đua của huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Tuy nhiên việc triển khai gặp vướng mắc về góp vốn nên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Như vậy, với quy định này Thủ tướng Chính phủ sẽ cấp giấy quyết định về chủ trương đầu tư. Khi dự án đua ngựa, đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về cá cược, nhưng hiện chưa có dự án nào hoàn thành.
Bộ trưởng Bộ tài chính thông tin thêm, hiện nay có 3 địa phương là Phú Yên, Lâm Đồng và Vĩnh Phúc đang đề xuất chủ trương về đầu tư trường đua ngựa. Tuy nhiên các dự án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có hồ sơ.
Đối với vấn đề cá cược bóng đá quốc tế, theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP, phải đấu thầu để lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh cá cược bóng đá. Tuy nhiên, quy định này lại vướng Luật Đấu thầu, bởi trong Luật Đấu thầu không có hình thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án và đấu thầu gói thầu của dự án.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao sửa lại Nghị định 06/2017/NĐ-CP. Bộ Tài chính đang sửa Nghị định này và trình Chính phủ vào tháng 5 vừa qua.
Về vấn đề kết nối liên thông, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định dữ liệu dân cư là bước đột phá về công nghệ thông tin trong thời gian vừa qua, mang lại lợi ích rất lớn cho mọi người dân, các cơ quan, đặc biệt là trong chuyển đổi số.
Bộ Tài chính đã kết nối dữ liệu thuế và đang xây dựng 12 cơ sở dữ liệu, trong đó, trước khi kết nối dữ liệu thuế, Bộ Tài chính phải làm sạch dữ liệu và phải mất 5 - 6 tháng mới kết nối vào hệ thống dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trước khi Luật Thể thao ban hành, Nghị định 06 của Chính phủ đã cho phép thí điểm nội dung này. Trong Nghị định 06, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì để soạn thảo và để phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên thời gian đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được biết, mặc dù đã có Nghị định nhưng những hoạt động này vẫn chưa diễn ra. Sau khi luật hóa được thể hiện trong Luật Thể thao năm 2018, tinh thần này được phân cấp rất rõ và giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ được giao việc thẩm định công tác chuyên môn.
Cụ thể là xem xét về mặt kỹ thuật, quy chuẩn trường đua, có đủ điều kiện không, thế nào là một giải đua và thể thức. Hoặc về bóng đá, với bóng đá quốc tế thì xem xét với các Liên đoàn để nắm rõ thông tin và cung cấp cho các cơ quan. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, như vậy không phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quyết định tổ chức các giải này theo quy định.
Nghị định có nhưng chưa chọn được đơn vị đầu mối
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh trấn áp các hoạt động đánh bạc, đánh bạc trên mạng, đạt nhiều kết quả. Riêng nửa đầu năm 2022, các cơ quan đã khởi tố 100 vụ án với 600 bị can.
Tuy nhiên, tình hình vẫn phức tạp do phần lớn máy chủ đặt tại nước ngoài, khó xử lý triệt để, triệt phá đường dây này thì nảy sinh đường dây khác. Việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu xử lý các đối tượng cũng khó khăn do độ ẩn danh lớn.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ nắm tình hình các trang tổ chức đánh bạc, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhất là kẻ cầm đầu. Người dân sẽ được tuyên truyền về các hệ lụy của việc tham gia đánh mạng trên mạng để chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Bộ Công an sẽ phối hợp với cảnh sát các nước trong xử lý đánh bạc và đánh bạc trên mạng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ, phối hợp điều tra.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc các cược bóng đá thời gian qua dù đã xử lý nhiều nhưng tình hình vẫn gia tăng với mức độ tinh vi hơn, nguyên nhân do chưa thực hiện Nghị định về đặt cược. "Nghị định này nghiên cứu nhiều năm mới ban hành và có hiệu lực từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện".
Vì vậy, đại biểu Hòa nhắc lại ý kiến “đã đến lúc cho phép thực hiện về cá cược, để quản lý những người muốn hoạt động mà còn lén lút”. Ông băn khoăn, Việt Nam đã thí điểm cho phép Casino hoạt động, vậy vì sao chưa thí điểm vấn đề cá cược. "Nếu chưa cho phép thì cần nêu rõ nguyên nhân. Đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm?", ông tranh luận.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dù đã có Nghị định về cá cược, nhưng Bộ Tài chính và các cơ quan chưa chọn được đơn vị nào để làm đầu mối về cá cược thể thao.
"Quan điểm của chúng tôi là đã có Nghị định thì thực hiện, nhưng tìm được doanh nghiệp đủ điều kiện làm được thì chưa có. Chúng tôi ủng hộ làm việc này để giảm bớt hành vi bất hợp pháp", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.