Ngày 14/5 vừa qua, Việt Hà (sinh năm 1998) đã thanh toán 15 triệu đồng đặt cọc mua Vinfast VF 3. Được biết, chiếc xe mà Việt Hà sắp được bàn giao vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 tới đây, có giá niêm yết 235 triệu đồng, giá lăn bánh - theo cô chia sẻ, sẽ khoảng 250 triệu đồng.
Đến hiện tại, Việt Hà cho biết cô vẫn “chưa thể tin được” là mình đã tự mua đứt được 1 chiếc ô tô.
Kiên quyết với tiêu chí “không đi vay”, chốt mua xe trong “1 nốt nhạc”
Việt Hà hiện đang làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển trong nội thành và ngoại thành Hà Nội nên từ cách đây 5-6 năm, Hà đã nghĩ tới việc mua xe. Tuy nhiên, phải nửa năm trở lại đây, cô mới nghiêm túc “nghe ngóng, thăm dò” thị trường xe.
“Tháng 9/2023, mình mới thi đỗ và lấy được bằng lái xe. Kể từ đó, mới nghiêm túc tìm hiểu thị trường xe, chủ yếu là xe cũ vì ngân sách hiện có của mình thì không thể mua xe mới được.
Đương nhiên, nếu đi vay thì cũng mua được thôi, nhưng ô tô là tiêu sản, mình cũng không có nhu cầu mua xe để khoe mẽ gì, chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại nên ban đầu, mình chỉ tập trung tìm hiểu thị trường xe cũ” - Việt Hà chia sẻ và không ngại tiết lộ “ngân sách hiện có” mà cô đề cập là 280 triệu đồng.
Tuy nhiên suốt từ tháng 9/2023 tới cuối năm 2023, Việt Hà vẫn chần chừ trước quyết định mua xe vì không cân đối được giữa nhu cầu và khả năng tài chính.
“Mình chỉ cần 1 chiếc xe 4 chỗ nhỏ gọn, đời cũ khoảng 2018-2019 cũng được nhưng trong tầm giá 300 triệu đổ lại thì gần như chỉ tìm được xe taxi cũ. Nếu ai tìm hiểu thị trường xe cũ thì chắc chắn sẽ biết mua xe từng chạy taxi rủi ro cao lắm, một là đã bị sơn sửa, thay thế hết phụ tùng, linh kiện; hai là xe chạy cả mấy chục nghìn km rồi sẽ phải tốn tiền bảo dưỡng thường xuyên hơn” - Việt Hà giải thích.
Ban đầu, mục tiêu của Việt Hà là mua ô tô chạy xăng chứ không phải ô tô điện. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, cảm thấy ô tô xăng không phù hợp với ngân sách nên cô quyết định chuyển sang ô tô điện.
“Suốt từ cuối năm 2023 tới đầu năm 2024, mình chỉ đợi hãng công bố giá bán để xem có đủ tiền mua không. Thấy giá niêm yết 235 triệu đồng - trong khả năng cho phép, là mình chốt luôn không nghĩ thêm nữa, vì trước đó mình đã tìm hiểu đủ rồi, còn nghĩ nếu xe này mà quá ngân sách thì thôi đành gác lại mục tiêu mua ô tô thêm vài năm nữa” - Việt Hà chia sẻ về quyết định mua xe trong “một nốt nhạc”.
6 năm đi làm chưa từng mua cho mình bất cứ món đồ nào giá trên 2 triệu
Hiện tại, Việt Hà đang rất háo hức đợi đến lúc được nhận xe và cô vẫn “chưa tin được” mình có thể sở hữu tài sản lớn đến vậy.
“Kể từ lúc đi làm đến tận bây giờ, ngoài điện thoại và laptop là 2 thứ phục vụ công việc, mình chưa bao giờ mua cho bản thân món đồ nào trị giá trên 2 triệu. Quần áo, giày dép, túi xách hay cả đồ skincare, đồ trang điểm, mình đều dùng hàng bình dân thôi”.
Việt Hà chia sẻ và cho biết đó là nguyên tắc cô tự đặt ra và chưa một lần phá vỡ, vì mục tiêu mua được xe ô tô.
“Mình tự thấy mình cũng may mắn hơn nhiều bạn bè vì không tốn tiền thuê nhà, cũng không cần lo mất tiền mua chỗ gửi ô tô nên áp lực nuôi xe cũng nhẹ nhàng đi phần nào” .
Hiện tại, Việt Hà đang sống chung với gia đình. Suốt 6 năm đi làm, ngoài 3 triệu tiền ăn gửi bố mẹ hàng tháng, và 4 triệu chi tiêu cá nhân; khoản tiền còn lại, Việt Hà đều dùng để tiết kiệm.
“Tháng nào mình cũng chỉ cho phép bản thân chi tiêu trong vòng 4 triệu đổ lại thôi. Trong 2 năm từ 2019-2021, vì dịch Covid, công việc không thuận lợi, thu nhập giảm, có tháng mình chỉ có chưa tới 1,5 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Vì tiền tiết kiệm và tiền ăn gửi bố mẹ là 2 khoản mình không muốn cắt giảm, nên thu nhập giảm thì chỉ có thể giảm khoản tiền tiêu cá nhân. Thế nên mới không bao giờ dám mua đồ gì giá trên 2 triệu đấy” - Việt Hà vừa cười vừa kể.
Sau khi hoàn thành được mục tiêu lớn đầu tiên trong đời, Việt Hà cho biết cô vẫn sẽ tiếp tục duy trì mức chi tiêu trong khoảng 4 triệu đổ lại để tiếp tục tiết kiệm tiền, thực hiện những mục tiêu tiếp theo trong cuộc sống.