David Weliver, người sáng lập Money Under 30, đã cho biết: “Hầu hết những người bạn của tôi đều cho rằng, thuê nhà là một việc ‘ném tiền qua cửa sổ’. Tuy nhiên, bản thân tôi đã sở hữu nhà riêng trước tuổi 30 thì cảm thấy, điều đó chưa hẳn đã đúng. Đôi khi, đó là một cách chi tiêu khôn ngoan miễn sao phù hợp với tình trạng tài chính và nhu cầu của mỗi người".
Để giải thích cho nhận định này, David Weliver đã chỉ ra 5 khía cạnh mà thuê nhà có lợi hơn mua nhà:
Tính linh hoạt
Hầu hết các hợp đồng thuê nhà chỉ có thời hạn trong 1 - 3 năm. Vì vậy, nếu chưa sẵn sàng sinh sống ở một nơi cố định trong thời gian dài từ 5 năm đổ lên, việc thuê nhà sẽ đem tới tính linh hoạt hơn. Nếu bạn mua một căn nhà rồi mới muốn thay đổi, mọi thứ sẽ diễn ra rất rắc rối. Ngược lại, hết hạn thuê nhà và tìm kiếm một nơi thuê khác sẽ đơn giản hơn nhiều.
Bạn không phải chịu trách nhiệm bảo trì tài sản
Khi lần đầu tiên mua ngôi nhà của mình, David Weliver có một khoảng sân trước nhà. Ông háo hức mua một cái máy cắt cỏ để chăm sóc cảnh quan vào mỗi cuối tuần. Nhưng chỉ vài tháng sau, việc này đã khiến ông “phát ốm” vì mất hàng tiếng đồng hồ và ông bắt đầu trả tiền để thuê người làm thay cho mình.
Chủ sở hữu ngôi nhà thường phải đối mặt với nhiều khoản chi phí liên quan tới sửa chữa và bảo trì tài sản. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ông cũng phải chi hàng nghìn đô la cho việc rò rỉ đường ống dẫn nước, ngập lụt ở tầng hầm, các thiết bị cũ nát và các chi phí khác liên quan tới tài sản. Điều này khác hẳn so với khi đi thuê nhà, ông chỉ cần gọi điện cho chủ sở hữu. Nếu đó không phải hỏng hóc do bản thân ông gây ra thì ông sẽ chẳng phải tốn bất cứ khoản phí nào.
Một ngôi nhà riêng không phải lúc nào cũng là khoản đầu tư tốt
Đó là sự thật. Rất nhiều người kiếm lời hàng triệu, hàng tỷ đồng khi đầu tư vào bất động sản. Một số chủ sở hữu có thể nhận mức chênh lệch lớn gấp hàng chục lần chỉ nhờ mua đi, bán lại một vài mảnh đất.
Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, thực tế lại rất khác. Bạn không nên nghĩ về nơi ở chính của mình như một khoản đầu tư “trong mơ”.
Một ngôi nhà muốn “được giá” về lâu dài không những phải được bảo trì ở hiện trạng tốt, mà còn cần sở hữu vị trí đáng mơ ước. Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng đạt được 2 điều kiện này. Thay đổi về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, môi trường sống… đều là những yếu tố biến động, không thể kiểm soát được. Rất có thể, ưu điểm sẽ biến thành nhược điểm, khiến giá trị ngôi nhà giảm đi.
Bạn không thể kiểm soát môi trường và hàng xóm của mình
Khi mua một ngôi nhà, bạn sẽ buộc phải gắn bó với điều kiện của khu vực lân cận, cả những khía cạnh tốt hay xấu. Nếu bạn sống ở một thành phố, hoặc thị trấn, với nền kinh tế và hệ thống trường học ngày càng tốt hơn, rất có thể giá trị căn nhà của bạn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đời sống của mọi người xung quanh đó cũng vậy. Nếu mức thu nhập của bạn không cao bằng thu nhập chung của những người đó, bạn có thể thấy mình không đủ khả năng để tiếp tục sống tốt ở đó.
Mặt khác, nếu tình trạng khu phố của bạn xấu đi, bạn không chỉ phải sống chung với những ảnh hưởng tiêu cực đó, mà giá trị tài sản của bạn cũng suy giảm.
Trong trường hợp nếu bạn chỉ là người thuê nhà, bạn có thể nhanh chóng dọn đi khi kết thúc hợp đồng thuê và chủ nhà mới là người phải đau đầu tìm cách giải quyết tài sản bị sụt giá.
Ảnh minh họa: Getty Images
Không phải lo lắng tới thuế đất
Thông thường, thuế bất động sản sẽ do chủ nhân của bất động sản đó chi trả. Rõ ràng nếu bạn là người thuê nhà thì bạn sẽ không phải chịu khoản thuế này. Khoản thuế bất động sản được xác định dựa trên giá trị của bất động sản, nhưng nó còn phụ thuộc vào vị trí của bất động sản bởi mỗi tỉnh thành, quận huyện sẽ có những mức thuế khác nhau. Đối với những bất động sản có giá trị lớn, khoản thuế này cũng không hề nhỏ.
Theo moneyunder30
https://cafef.vn/chuyen-gia-ly-giai-5-ly-do-tai-sao-ban-khong-nen-voi-vang-mua-nha-truoc-tuoi-30-2022091321163021.chn