'Tiên tri' của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai

Admin

Doanh số dòng xe lai điện tại quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ.

Khi các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc dồn sức cho cuộc chiến giảm giá để kích thích nhu cầu đang trong chiều hướng giảm, các thương hiệu nội địa với dòng sản phẩm xe lai điện hấp dẫn đang trở thành người thắng cuộc, thu hút nhiều người tiêu dùng hơn với loại xe có chi phí rẻ hơn cả xe xăng mà có thể vận hành xa hơn xe thuần điện.

Tại các thị trường xe lớn khác như Mỹ và châu Âu, chi phí cho các phương án tài chính mua xe (như trả góp hay cho vay) tăng cao được xem là một phần nguyên nhân khiến doanh số xe điện giảm sút. Song, ở chiều ngược lại thì doanh số xe lai điện tại Mỹ, và theo thông tin gần đây thì cả Trung Quốc, đã mang đến ánh sáng le lói cuối đường hầm cho những nhà sản xuất đang theo đuổi chiến lược đa dạng sản phẩm thay vì chỉ mỗi xe thuần điện như Toyota hay Honda

Tiên tri của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai - Ảnh 1.

Doanh số xe lai điện tại Trung Quốc đang bật tăng.

Hiện nay, 1/3 tổng số xe bán ra của Toyota (nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới tính theo doanh số) là xe lai điện; cùng với đó, Toyota cũng đã thông báo về mức tăng trưởng doanh số 34% trong 6 tháng tính đến hết tháng 9. Dòng hybrid của Toyota tăng trưởng trong bối cảnh xe điện có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, có thể thấy tại thị trường Mỹ: Doanh số vẫn tăng nhưng tốc độ so với cùng kỳ năm ngoái thì đã giảm.

Các chuyên gia đưa ra cảnh báo rằng các nhà sản xuất xe ngoài Trung Quốc đang đối mặt với một mối đe dọa ngày càng lớn từ các đối thủ Trung Quốc - những đơn vị đã thống lĩnh thị trường xe lai nội địa và đang tìm cách để tiến ra các thị trường nước ngoài. Các hãng xe Trung Quốc có một lợi thế lớn khi được đánh giá là nhà sản xuất xe điện có chi phí thấp nhất thế giới nhờ việc đã đầu tư rất mạnh cho chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Tại Mỹ, các phiên bản xe lai điện thường có giá cao hơn phiên bản thuần xăng từ 1.500 USD (36,2 triệu đồng) đến 2.000 USD (48,3 triệu đồng) nhưng tại Trung Quốc, một số phiên bản xe lai điện được hưởng giá ưu đãi thấp hơn một chút so với các phiên bản thuần xăng, còn so với xe thuần điện thì có thể rẻ hơn tới 23%.

Chính vì lợi thế về giá đó mà khách hàng đang lựa chọn nhiều hơn các mẫu xe lai điện. 

Giáo sư Hứa Mẫn tại Viện Phương tiện Thông minh, Đại học Giao thông Vận tải Thượng Hải, cho rằng: "Mọi người đang chấp nhận ngày một nhiều hơn một chiếc xe vừa có thể có động cơ xăng vừa có thể có mô tơ điện, khi chúng có thể bù trừ cho nhau. Những lúc dùng động cơ xăng không hiệu quả, chúng ta có thể dùng mô tơ điện để bù".

Tiên tri của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai - Ảnh 2.

Li Auto L9 là mẫu PHEV cỡ lớn, giá quy đổi từ 1,5 tỷ đồng.

Cùng có động cơ đốt trong và mô tơ điện nhưng xét trên cách thức hoạt động, người tiêu dùng có thể bắt gặp một vài loại xe lai điện:

- Xe lai điện thông thường: Thường được gọi là xe Hybrid (HEV), là loại mà động cơ đốt trong là nguồn tạo động năng chính cho xe, động cơ điện chỉ có thể phụ trợ một phần. Tại Việt Nam, các mẫu xe hybrid Toyota đang bán đều thuộc loại này.

- Xe lai điện sạc ngoài: Thường được gọi là Plug-in Hybrid (PHEV), là loại có dung lượng pin lẫn công suất mô tơ cao hơn, bên cạnh hoạt động song song như xe HEV, hệ thống truyền động điện có thể hoạt động độc lập như một chiếc xe thuần điện (nhưng có quãng đường di chuyển mỗi lần sạc thấp hơn). Tại Việt Nam, Thaco Auto có phân phối KIA Sorento bản PHEV.

- Xe lai điện tự sạc: Thường được gọi là Extended-range Hybrid (EREV), là loại hoạt động hoàn toàn bằng điện, động cơ đốt trong chỉ có tác dụng làm máy phát điện, hoạt động để cấp điện cho pin. Tại Việt Nam, Nissan Kicks là mẫu xe EREV.

Tiên tri của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai - Ảnh 3.

Nissan Kicks có động cơ xăng nhưng chỉ sử dụng để phát điện sạc pin.

Theo số liệu doanh số bán hàng do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc công bố, PHEV và EREV có tổng mức tăng trưởng lên tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua mức tăng trưởng 14% của xe thuần điện. Số liệu cũng cho thấy rằng dòng xe lai điện tại Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng, tới mức mà thị phần của dòng xe này lớn ngang với thị phần của dòng xe thuần điện và chiếm khoảng 12% tổng doanh số xe con.

Tiên tri của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai - Ảnh 4.

Nguồn: Reuters

Nhà sản xuất Li Auto của Trung Quốc đang là hãng EREV được ưa chuộng nhất thị trường khi có vài nghìn người đang chờ nhận xe - tình cảnh trái ngược với nhiều hãng xe đang có lượng xe tồn kho ngày một nhiều.

Giám đốc Trương Gia Lạc tại đơn vị tư vấn Automotive Foresight nhận định: "Dòng EREV đang là lựa chọn tốt nhất với khách hàng Trung Quốc, là những người tìm phương án giải quyết nỗi lo hết điện giữa đường, tiết kiệm xăng, trải nghiệm các tính năng thông minh và giá rẻ".

Với dòng PHEV, BYD đã neo giữ vị trí số 1 với 8 trên 10 mẫu PHEV bán chạy nhất thị trường. 

MỐI LO VỚI CÁC HÃNG XE NGOÀI TRUNG QUỐC

Chiếm toàn bộ danh sách 10 mẫu bán chạy nhất, các mẫu PHEV và EREV của các hãng Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng, gây ra tác động nặng nề đến doanh số không chỉ dòng xe thuần xăng mà cả dòng hybrid thông thường. Dòng Hybrid thông thường là dòng xe mà Toyota tiên phong với mẫu Prius từ cuối những năm 1990.

Đối với dòng Hybrid thông thường tại Trung Quốc, Toyota vẫn là cái tên thống lĩnh với 4/10 mẫu xe nằm trong Top bán chạy, nhưng tổng doanh số dòng này đã giảm 15%; trong khi đó, doanh số dòng xe thuần xăng giảm 11%, tiếp tục đè lên gánh nặng mà các hãng xe truyền thống đang phải chống chịu.

Doanh số dòng Hybrid thường tại Trung Quốc sụt giảm một phần do chính sách hỗ trợ của chính phủ đã thay đổi - ưu tiên dòng thuần điện, PHEV và EREV.

Toyota Prius đời 1997 và 2023.

Một câu chuyện đáng đề cập tới là các hãng xe Trung Quốc không phải người khai mở dòng EREV tại Trung Quốc. General Motors với mẫu Buick Velite 5 năm 2017 mới là mẫu xe EREV đầu tiên bán tại quốc gia tỷ dân này - 2 năm trước khi Li Auto bắt đầu sản xuất thương mại. Một điều trái ngược là dù Buick Velite 5 tiên phong nhưng lại được xem là một cuộc thử nghiệm thất bại với doanh số khoảng 4000 chiếc, dẫn đến việc phải dừng kinh doanh từ năm 2020; trong khi đó thì Li Auto lại bán được 244.225 chiếc EREV trong 9 tháng đầu của năm 2023.

Những trắc trở mà General Motors hay Toyota phải vượt qua là lời nhắc nhở về các đối thủ Trung Quốc khi giờ đây họ đang tìm cách bước ra thế giới. 

BYD đang mở rộng thị trường PHEV của mình khi phân phối mẫu Han, Qin và Song tại Nam Mỹ - nơi cơ sở hạ tầng trạm sạc chưa phát triển. 

Tập đoàn xe đa quốc gia Stellantis đang đầu tư 1,6 tỷ USD cho Leapmotor (Trung Quốc) với kỳ vọng có thể phân phối các mẫu xe EREV của đối tác cho thị trường châu Âu. Trong trao đổi với tờ Reuters, Stellantis cho biết rằng họ không loại trừ khả năng hợp tác với Leapmotor để làm các sản phẩm năng lượng mới. 

Tiên tri của Toyota ứng nghiệm ở ngay sát Việt Nam: Quốc gia xe điện bỗng chuộng xe lai - Ảnh 6.

Những chiếc BYD Han đầu tiên tới Nam Mỹ từ cuối tháng 10/2021.

Tuy nhiên, thành công tại thị trường nội địa không đồng nghĩa với thành công tại thị trường nước ngoài. Theo Giáo sư Hứa Mẫn tại Đại học Giao thông Vận tải Thượng Hải thì khách hàng tại các thị trường khác nhau có yêu cầu khác nhau, có thể tác động đến sức mua xe Trung Quốc.

Tiêu biểu như tại Bắc Mỹ, khách hàng ưa các mẫu xe có công suất lớn có thể kéo hàng, khiến cho các mẫu xe lai điện trở nên phù hợp hơn. Dẫu vậy, hoài nghi về tương lai của dòng xe lai điện là vẫn có.

CEO Bill Russo tại đơn vị tư vấn Automobility nhận định: "Xe lai điện thông thường (Hybrid) đang tiếp thêm sức sống cho một bệnh nhân hấp hối - động cơ đốt trong".

Xem thêm:

Tin liên quan

Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện
https://soha.vn/tien-tri-cua-toyota-ung-nghiem-o-ngay-sat-viet-nam-quoc-gia-xe-dien-bong-chuong-xe-lai-20231121173248681.htm