Tăng cường hợp tác
Hơn một năm sau khi những hãng như Nissan, Renault và Mercedes-Benz rút khỏi Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang hưởng lợi lớn khi tiến vào thị trường Nga với nhiều thuận lợi. Đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ “đối tác không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow đang dần trở thành hiện thực.
Hôm 25/10, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Kyrgyzstan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa 2 quốc gia trong lĩnh vực ô tô.
Trong khi đó, hồi tuần trước, Moscow cũng ra quy định về việc chính phủ chỉ được mua ô tô mới do các thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu Trung Quốc sản xuất. Đây được cho là thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Động thái này thể hiện xe ô tô Trung Quốc đang nhận được sự ưu tiên lớn ngay tại quốc gia đối tác quan trọng.
Zhu Feng, viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh, cho biết: “Hợp tác ô tô có thể là trọng tâm mới trong quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp của hai nước, như đã được nêu trong nhận xét của Thủ tướng Lý Cường”.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hồi đầu tháng này, ông Putin ca ngợi hiệu quả chi phí của ô tô Trung Quốc, nói rằng sức mạnh làm nền tảng cho sự trỗi dậy của ô tô Trung Quốc là sự cải thiện về chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là sự rút lui của các thương hiệu nước ngoài.
Nhu cầu tăng cao
Khi Trung Quốc và Nga tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mong muốn lấp đầy khoảng trống mà các thương hiệu phương Tây để lại, hy vọng mối quan hệ hữu nghị “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow có thể biến thành những cơ hội lớn hơn.
Ông Zhu nói thêm: “Trung Quốc có thế mạnh về [sản xuất ô tô] và Nga có nhu cầu”.
Tuy nhiên, ông cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể cần phải chỉnh lại mẫu mã của mình, đặc biệt là xe điện, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng Nga. Những chiếc SUV của Haval từ Great Wall Motor đã được đưa vào dây chuyền sản xuất ở Tula, gần Moscow, kể từ năm 2019. Chủ tịch Great Wall Motor, Wei Jianjun, nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc vào đầu năm nay rằng khoản đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy ở Nga đã giúp Great Wall Motor chiếm thị phần lớn hơn, với việc lắp ráp trong nước đảm bảo những chiếc SUV Haval của họ phù hợp với các yêu cầu mua sắm của Nga.
Theo Hiệp hội Xe Trung Quốc, xuất khẩu ô tô du lịch của Trung Quốc sang Nga trong ba quý đầu năm đã tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 640.000 chiếc, riêng tháng 9 là 95.000 chiếc.
Theo dữ liệu thương mại, Trung Quốc và Nga đang đặt mục tiêu nâng tổng khối lượng thương mại lên 200 tỷ USD trong năm nay, tăng từ mức 190 tỷ USD vào năm 2022. Công ty tư vấn ô tô Autostat của Nga cho biết 6 trong số 10 thương hiệu hàng đầu về thị phần ở Nga là của Trung Quốc, bao gồm Haval, Chery và Geely.
Tổng cộng, 19 thương hiệu Trung Quốc đã gia nhập thị trường Nga, trong đó Chery dẫn đầu về tổng doanh số, tiếp theo là Great Wall Motor và Geely.
He Zhenwei, chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hải ngoại Trung Quốc tại một hội thảo về lĩnh vực ô tô gần đây, cho biết: “Nga cần Trung Quốc tiếp tục phát triển ngành ô tô và duy trì việc làm cho người lao động”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thị phần ngày càng tăng của các thương hiệu Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc cạnh tranh gay gắt hơn với các nhà sản xuất Nga. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga cũng có thể được khuyến khích hợp tác thêm, bao gồm cả việc tận dụng tốt hơn các nhà máy mà những doanh nghiệp sản xuất phương Tây bỏ trống.
Tham khảo SCMP