Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết tại Việt Nam, đa số người dân đã quen với việc sử dụng các phương tiện cá nhân và nhiên liệu đốt trong nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra đồng thời đây cũng là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Để khắc phục tình trạng này, việc phát triển mô hình giao thông xanh là điều tất yếu và cần thiết đẩy nhanh tiến độ áp dụng giao thông xanh vào đời sống.
Theo chuyên gia này, mô hình giao thông xanh còn đem lại nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Sản xuất và sử dụng các phương tiện xanh sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch tự nhiên, do đó giúp tiết kiệm các chi phí khai thác và xử lý môi trường cho quốc gia.
Bên cạnh đó, khi xây dựng được mạng lưới giao thông xanh và hạ tầng ổn định sẽ giúp Việt Nam tự chủ được nguồn nhiên liệu, không phải nhập khẩu quá nhiều xăng dầu từ quốc gia khác như trước đây.
Ngoài ra, phát triển các loại phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch còn giúp giảm bớt lượng phương tiện cá nhân, giảm chi phí mở rộng và xây dựng hạ tầng giao thông mới. Đây cũng là một cơ hội lớn đối với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội, đón đầu xu thế phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường.
Trong những năm qua, Chính phủ và ngành GTVT đã có một số định hướng cụ thể nhằm phát triển giao thông xanh. Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, mục tiêu đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng năng lượng sạch.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao giao thông bền vững toàn cầu năm 2023 tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã khẳng định Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là một ưu tiên và xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Trao đổi với Người Đưa Tin về các giải pháp để giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông Trần Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cho biết trước hết hiện ngành GTVT đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các luật chuyên ngành, trong đó tích hợp các nội dung, quy định và cam kết quốc tế liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện cơ giới đường bộ, thủy nội địa, tàu biển hoạt động tuyến nội địa, tàu bay; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh. Quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe và nhà ga.
Đối với các phương tiện giao thông, Bộ GTVT đang thắt chặt các quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính. Từng bước nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Còn theo TS. Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông, cho biết phát triển giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược với rất nhiều công việc cần làm, do đó cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng, nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngành.
Về trở ngại, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh một trong những rào cản lớn nhất đối với giao thông xanh là chi phí chuyển đổi đang rất cao, đặc biệt đối với nhiều địa phương có điều kiện kinh tế còn thấp.
Do đó, theo ông Bình, trong tổng thể phát triển giao thông xanh, cần coi phát triển giao thông đô thị xanh là một ưu tiên và dành nguồn lực triển khai sớm do các đô thi là nơi tập trung đông dân cư, phương tiện và đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế xã hội.