Kiếm 25-30 triệu/tháng, không mất tiền nhà và tiền ăn nhưng cuối tháng vẫn mang nợ: Tất cả vì 1 sai lầm nhiều người hay mắc phải

Admin

Tại sao bạn hàng ngày đi làm chăm chỉ, mức lương cũng ổn mà cuối tháng vẫn hết tiền?

Hàng ngày đi làm chăm chỉ, không chỉ bận bịu với công việc chính mà còn nỗ lực với đủ loại việc làm thêm bên ngoài, thế nhưng cuối tháng ngồi tổng kết, nhiều vợ chồng vẫn "đau đầu" vì không tiết kiệm được đồng nào. Nhận thức tình hình tài chính không ổn, các cặp đôi đã tìm cách thắt chặt chi tiêu hoặc hỏi xin lời khuyên về tiết kiệm để cải thiện chuyện tiền nong của gia đình.

Mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, cặp đôi có mức thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng đã xin lời khuyên từ cư dân mạng vì họ không thể tiết kiệm, thậm chí còn mang nợ, dù có mức thu nhập ổn.

"Vợ chồng em làm cũng có tiền, không phải lo tiền này tiền kia như bao gia đình khác, cũng ít đi tiệc tùng, ăn uống sang trọng mà 1 tháng em không dư, có khi còn âm", cô vợ than thở về tình hình của gia đình.

Câu chuyện của gia đình này cụ thể như sau: Tổng thu nhập hàng tháng của cặp đôi dao động từ 25-30 triệu đồng/tháng. Họ đang có khoản nợ 70 triệu, với tiền lãi phải trả hàng tháng là 1,4 triệu.

Họ không mất tiền thuê nhà, chi phí ăn uống vì được ba mẹ chồng lo hết. Mỗi tháng, họ chỉ cần gửi 300-400 ngàn đồng tiền điện nước cho ông bà. Ngoài ra, họ còn chi gần 7 triệu/tháng cho tiền nuôi con nhỏ 2 tuổi, gồm 3,2 triệu đóng tiền học và 3,5 triệu tiền sữa bỉm.

Còn lại các khoản chi tiêu khác trong tháng thì cặp đôi không liệt kê được cụ thể. Cặp đôi chỉ nhớ rằng, tiền xăng xe và các chi tiêu vặt cá nhân khác thì mỗi người tự trả, không phụ thuộc vào đối phương.

Kiếm 25-30 triệu/tháng, không mất tiền nhà và tiền ăn nhưng cuối tháng vẫn mang nợ: Tất cả vì 1 sai lầm nhiều người hay mắc phải- Ảnh 1.

Cặp đôi kiếm được 25-30 triệu/tháng, không mất tiền nhà và tiền nhà nhưng không thể tiết kiệm (Ảnh minh hoạ)

Dưới bài đăng của cặp đôi này, nhiều người nhận định với tổng thu nhập như trên và sự giúp đỡ tài chính từ ông bà, cặp đôi nên để được nhiều tiền tiết kiệm hơn. Một sai lầm lớn nhất của cặp đôi hiện tại là mua sắm nhiều nhưng không biết dòng tiền chi ra của gia đình mình như thế nào.

Do đó, nhiều người đã khuyên cặp đôi nên thay đổi bằng cách học ghi chép khoản chi trong nhà, như thế mới rõ được các khoản chi tiêu hàng tháng của họ đi đâu, về đâu. Sau đó, họ có thể tìm cách cắt giảm các khoản tiêu xài lãng phí, hoặc đặt ra giới hạn số tiền phải tiết kiệm hàng tháng.

Một số gợi ý từ cư dân mạng:

- "Bạn tải app sổ thu chi về rồi ghi ra tiền thu, tiền chi để thấy được những cái gì không cần thiết thì tháng sau mình không chi nữa".

- "Trước tiên bạn phải tập thói quen ghi chú chi tiêu chi tiết. Chứ bản thân bạn còn không biết tiền đi đâu hết thì sao biết khoản nào chi tiêu chưa hợp lý để mà cắt giảm được. Hiện có rất nhiều app hỗ trợ việc quản lý thu chi cá nhân hàng ngày. Chịu khó ghi lại để quản lý cho tốt.

Với mức thu nhập như gia đình bạn và với nhu cầu chi tiêu như bạn chia sẻ thì hoàn toàn có thể tiết kiệm đc 7-10 triệu/tháng. Trước mắt cứ tập thói quen ghi lại các khoản chi tiêu trước, nếu được thì khi chồng lãnh lương 5-6 triệu đó gửi vào tiết kiệm luôn, không đụng vào coi sao. Hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu chứ đừng chi tiêu rồi mới tiết kiệm."

- "Đầu tiên, bạn cần xác định lại hiện trạng tài chính của gia đình là: Thực tế, tình hình tài chính của bạn đang âm ( Nợ 70 triệu + nợ đầu tư đã rút lãi trước)

Thứ hai, về khoản thu và chi tiêu, mình thấy có vẻ bạn mới ánh chừng nên không biết tiền của mình thật sự đã đi đâu. Giải pháp:

+ Bạn cần ghi chép lại chi tiết các khoản thu, chi hàng ngày của gia đình để biết thu nhập thật sự của mình và tiền đã tiêu vào việc gì. Từ đấy mới biết cách điều chỉnh và ý thức với các khoản không tên.

+ Ưu tiên trả khoản nợ 70 triệu trước. Khoản này còn là nợ lãi cao. Ví dụ: hàng tháng, ngoài tiền lãi, bạn cần bỏ riêng 5 triệu để trả phần gốc."

- "Chưa biết rõ ràng các mục cần chi thì lấy vài cái phong bì ghi rõ các khoản cần chi, nhận lương xong thì phân bổ luôn vào các phong bì; tiền mặt hàng ngày thu về cũng phân bổ luôn. Theo dõi 1 vài tháng để xem dòng tiền của mình như nào sau đó lên kế hoạch sắp xếp cho hợp lý. Mình đoán do nhà bạn nhận tiền mặt lẻ tẻ nên hay tiện lấy tiêu luôn nên không có thống kê".

Kiếm 25-30 triệu/tháng, không mất tiền nhà và tiền ăn nhưng cuối tháng vẫn mang nợ: Tất cả vì 1 sai lầm nhiều người hay mắc phải- Ảnh 2.

Nhiều người khuyên cặp đôi nên bắt đầu thay đổi bằng cách ghi chép lại tất cả khoản chi hàng tháng (Ảnh minh hoạ)

Tại sao việc ghi chép khoản chi hàng tháng là cần thiết?

Không chỉ riêng cặp đôi trên mà nhiều vợ chồng trẻ khác cũng không có thói quen ghi chép khoản chi hàng tháng. Ghi chép chi tiêu hàng tháng là việc vợ chồng cùng liệt kê lại tất cả khoản chi phí mà họ đã bỏ ra trong ngày, trong tháng. Tại sao nhiều cặp đôi được khuyến khích duy trì phương thức quản lý tài chính này?

- Phát hiện các vấn đề gia đình gặp phải trong chi tiêu

Lý do quan trọng nhất mà các cặp đôi nên ghi chép chi tiêu hàng tháng là để nhận thức rõ về cách tiêu tiền của bản thân. Nếu không có ghi chép về tiêu xài, họ sẽ không thể biết được chính xác bản thân đã dùng tiền vào việc gì mỗi khi đối mặt với tình trạng hết tiền vào cuối tháng.

Việc theo dõi chi tiêu sẽ tiết lộ cặp đôi đang chi nhiều hay ít cho những hạng mục nào. Ví dụ như vợ nghiện mua sắm online, còn chồng thích chi tiền cho các buổi tụ tập cùng bạn bè. Khi đó, họ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước mỗi lần chi tiêu cho các hạng mục trên.

- Giúp vợ chồng bám sát vào kế hoạch tài chính

Sau khi lập ra kế hoạch tài chính thì bạn cần biết thu nhập, quỹ tiết kiệm của gia đình mình hàng tháng như thế. Việc theo dõi chi tiết các khoản chi cho biết chính xác bạn có đang tiêu tiền theo đúng kế hoạch đã đề ra hay không. Nếu cặp đôi đang chi tiêu vượt quá dự định thì hãy tìm cách cắt giảm bớt. Ngược lại, nếu bạn chi tiêu quá ít, khoản tiền dư ra có thể chuyển đổi sử dụng với mục đích khác hoặc cho vào quỹ tiết kiệm.

Từ việc so sánh và đánh giá giữa chi tiêu dự kiến và thực tế, bạn sẽ cân đối được ngân sách cho mỗi hạng mục trong kế hoạch tài chính. Ví dụ như tăng thêm ngân sách cho ăn uống, giảm chi phí mua sắm quần áo. Đồng thời, việc theo dõi chi tiêu chi tiết làm bạn luôn phải cân nhắc kĩ trước mỗi lần mua sắm, tránh việc mua sắm theo cảm tính, thường là nguyên nhân gây ra bội chi.