Chúng ta đều biết rằng việc chi tiêu vô tội vạ, không suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng là hành vi có phần không nên. Điển hình có thể kể đến những đơn hàng được chốt vào lúc 1-2 giờ sáng, hay những phụ kiện trang trí vô tri chẳng có tác dụng gì ngoài “trông xinh xinh”, được rước về khi đi lang thang trong trung tâm thương mại.
Không khó để nhận diện những khoản chi vô nghĩa kiểu “ném tiền qua cửa sổ như thế”. Vấn đề thách thức chính là những khoản chi tưởng chừng rất tích cực, nên làm nhưng thực chất chỉ gây lãng phí.
Ảnh minh họa
Nếu bạn chưa hình dung được khoản chi như thế, hãy lắng nghe chia sẻ của hai cô gái này, để thấy rằng mục đích chi tiền tốt mà đặt trong bối cảnh không phù hợp, thì không đem lại giá trị như kỳ vọng.
Hà Chi (26 tuổi): Chi 270 triệu mua bảo hiểm nhân thọ khi lương mới chỉ có 9 triệu
Cuối năm 2022, Hà Chi - khi đó mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học và đi làm chưa được bao lâu, đã quyết định đặt bút ký vào một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 18 triệu/năm, thời hạn 15 năm. Ở thời điểm ấy, ngoài 9 triệu đồng tiền lương từ công việc full-time, Hà Chi hoàn toàn không có khoản thu nào khác.
"Trong nhóm bạn thân của mình có 1 người bán bảo hiểm. Bạn tư vấn cho mình rất tận tình và có tâm nên mình quyết định ký hợp đồng bảo hiểm trị giá 18 triệu/năm, thời hạn 15 năm.
Lúc đó, mình mới đi làm được hơn 6 tháng, lương được 9 triệu/tháng nhưng vẫn quyết định ký vì nghĩ đơn giản rằng đó là việc cần thiết, cũng là dự phòng cho tương lai lâu dài nên chẳng đi đâu mà thiệt. Đến giờ nghĩ lại mình vẫn cảm thấy quyết định mua bảo hiểm khi ấy có phần hơi bồng bột, gọi là hối hận cũng không sai" - Hà Chi chia sẻ.
Sở dĩ, Hà Chi cảm thấy hối hận vì bản thân không suy tính kỹ trước khi quyết định mua bảo hiểm, chứ không phải do bị bạn thân lợi dụng “kích sale”.
Ảnh minh họa
Với mức lương 9 triệu/tháng, sau khi trừ đi chi phí cơ bản như thuê nhà, ăn uống và đi lại, phải cố gắng lắm, Hà Chi mới để dành được 1-2 triệu/tháng. Khoản tiền dư ra này được dùng để đóng bảo hiểm. Điều đó đồng nghĩa với việc cô không có bất kỳ khoản tiền dự phòng nào. Tiền đầu tư đi học, cải thiện kỹ năng phục vụ công việc hay tiền đầu tư cho trải nghiệm ăn uống, du lịch,... cũng không nốt.
"Mình gần như không dám mua sắm hay chi tiêu cho bản thân, vì chỉ cần có 1 tháng không tiết kiệm thôi là sẽ không đủ tiền đóng bảo hiểm khi đến hạn. Bố mẹ mình có bảo sẽ cho mình khoản tiền này nhưng mình vẫn thấy không thoải mái hơn là mấy, vì đi làm rồi, mình cũng không muốn để bố mẹ phải cho mình tiền" - Hà Chi bộc bạch.
Khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, Hà Chi có khoảng 6 triệu tiền tiết kiệm. Bố mẹ cho cô thêm 12 triệu để đóng kỳ đầu tiên. Lúc đó, Hà Chi cảm thấy "khá ok" với việc này. Tuy nhiên sau khi đã tự lập và suy nghĩ trưởng thành hơn, cô bạn không còn muốn như vậy nữa.
Kết cục, mua bảo hiểm trở thành áp lực lẫn gánh nặng tài chính với Hà Chi kể từ đó cho đến giờ. Mua bảo hiểm để “phòng khi bất trắc”, nhưng đến giờ này, khoản phí bảo hiểm hàng năm lại trở thành gánh nặng đè lên vai.
Dẫu vậy, Hà Chi quyết định không hủy hợp đồng bảo hiểm và vẫn tiếp tục đóng vì suy cho cùng, việc này vẫn là cần thiết về lâu về dài. Tuy nhiên, nếu được chọn lại, cô cho biết chắc chắn sẽ không mua bảo hiểm khi bản thân chưa có tiền tiết kiệm.
Ảnh minh họa
"Mình nghĩ khi còn trẻ, mới đi làm và lương chưa cao thì quan trọng nhất là tiết kiệm chứ không phải là mua bảo hiểm. Nếu có ốm đau thì sử dụng bảo hiểm Y tế do công ty đóng cho là cũng đỡ được phần nào rồi.
Có tiền thì nên tiết kiệm, để phòng khi thất nghiệp hoặc không thì cũng để đi học thêm các kỹ năng, kiến thức phục vụ cho công việc. Bao giờ tự tin sống được 3-6 tháng mà không có nguồn thu nhập nào, hẵng nghĩ tới việc mua bảo hiểm" - Hà Chi khẳng định.
Sophie (Chủ kênh Youtube Clever Girls): Chi 35 triệu đồng đi học Ielts và đăng ký thẻ tập gym
Trên kênh Youtube Clever Girls có hơn 38,5 nghìn người theo dõi của mình, Sophie từng kể về hai lần chi tiền mà thành quả nhận về không được như kỳ vọng. 35 triệu là tổng số tiền mà cô đã “ném qua cửa sổ” trong 2 lần ấy.
Sophie
1 - Đăng ký học Ielts
“Để phục vụ mục đích cải thiện vốn tiếng Anh, mình đã từng đăng ký 4 khóa học Ielts, trong đó có 3 khóa học offline và 1 khóa học online. Sau khi học 4 khóa học này, trình độ tiếng Anh của mình không có gì cải thiện, và mình tốn tổng cộng 25 triệu đồng cho 4 khóa học” - Sophie kể lại.
Cô cũng chỉ ra sai lầm của bản thân trong việc “ném 25 triệu đồng qua cửa sổ” khi đăng ký đi học Ielts: Chọn khóa học không phù hợp với mục đích cá nhân.
Ielts vốn là chứng chỉ phục vụ cho việc nộp hồ sơ đi du học; hoặc không, nó cũng là chứng chỉ phục vụ cho các công việc có tính học thuật cao, nhiều từ vựng mới và khó, không tập trung vào việc giao tiếp với những từ vựng đơn giản, dễ hiểu như trong cuộc sống thường ngày.
Chi tiền sai mục đích từ bước đầu, không có gì khó hiểu khi Sophie gần như chẳng thu được gì sau 4 khóa học với mức học phí 25 triệu đồng.
2 - Đăng ký thẻ tập gym
Xuất phát từ nhu cầu cải thiện vóc dáng và sức khỏe, Sophie đã quyết định mua thẻ tập gym thời hạn 1 năm với mức phí 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng thời gian mà Sophie thực sự đến phòng tập chỉ vẻn vẹn 2 tuần mà thôi.
“Mình chỉ đến phòng tập gym được đúng 2 tuần, sau đó thì mình nghỉ. Khoản tiền còn lại của thẻ tập, mình không được hoàn trả nên thực sự rất lãng phí” - Sophie kể và thừa nhận bản thân cũng có chút “ảo tưởng sức mạnh” khi nghĩ rằng mình có thể đi tập 3-4 buổi/tuần, mỗi buổi 1-2 tiếng. Vì động lực không đủ mạnh, cộng thêm những trở ngại khác như thời tiết, vị trí khoảng cách, cuối cùng, Sophie cũng đành để khoản tiền 10 triệu trở nên đổ sông đổ bể.
“Để không rơi vào tình trạng giống như mình, trước khi đăng ký các gói tập gym, bạn có thể lựa chọn các giải pháp thay thế tạm thời để tạo cho bản thân thói quen tập luyện trước” - Sophie đưa ra lời khuyên.