Xung đột chính trị căng thẳng và nỗi lo đơn hàng của doanh nghiệp Việt

Admin

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang, các doanh nghiệp xuất khẩu lại một lần nữa đứng trước nguy cơ đứt gãy đơn hàng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường toàn cầu dần hồi phục, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp khởi sắc khi có thêm nhiều đơn hàng được ký kết. Tuy nhiên, bối cảnh phức tạp và xung đột địa chính trị đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro.

Theo đó, ngay từ đầu năm, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã trở nên đắt đỏ hơn do xung đột ở Trung Đông và các hạn chế hoạt động trên Kênh đào Panama. Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế trên tuyến đường quan trọng giữa châu Âu và châu Á, nơi chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới.

Thực tế cho thấy, tình trạng căng thẳng leo thang ở biển Đỏ làm cho các hãng tàu phải di chuyển đường vòng, kéo theo đó, cước phí vận chuyển đi và đến một số thị trường xuất nhập khẩu tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp làm ăn với các đối tác tại thị trường Mỹ, Canada, EU, Anh.

photo-1713623644708

Doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nỗi lo "cạn đơn hàng"

Ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, từ quý II/2024 tình hình đơn hàng bắt đầu khó khăn hơn. Những gián đoạn ở Biển Đỏ đã gây rủi ro với các nền kinh tế ASEAN. Sau 3 tháng diễn ra căng thẳng ở Biển Đỏ, số lượng tàu hàng qua kênh đào Suez đã giảm hơn 50% so với hồi tháng 12/2023. Giá cước vận tải giao ngay đã tăng gấp ba lần trong hoạt động thương mại từ châu Á sang châu Âu.

Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn đang chịu tác động trực tiếp từ những khó khăn trên. Thời gian vận chuyển hàng trên biển bị kéo dài thêm cả chục ngày, khiến cả nhà xuất khẩu lẫn bên mua hàng đều lo ngại. Đồng thời mức ảnh hưởng càng lớn khi căng thẳng không chỉ ở Nga – Ukraine mà đang lan rộng sang cả Iran – Isarel…

Chưa dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất còn gặp khó khăn khi nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào bị chậm. Giá các mặt hàng đầu vào cũng tăng lên. Thậm chí nông nghiệp – ngành vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế - ngành xuất khẩu có nhiều điểm sáng trong những năm qua thì các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng lao đao trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân là bởi giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận tải cùng tăng sốc.

Chưa thoát khỏi những cú sốc về giá nguyên liệu, giá cước vận tải, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về “tỷ giá tăng”. Đặc biệt, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất kéo dài có thể khiến các nền kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng. Lãi suất cao hơn ở Mỹ cũng sẽ lan ra các nền kinh tế khác khi đồng bạc xanh tăng giá sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại và vay mượn bằng đồng USD. Các nền kinh tế dựa vào nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Nhật Bản, phải đối mặt với sức ép kép từ đồng bạc xanh mạnh hơn và giá dầu tính bằng USD tăng. Giá dầu hiện đã tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 12 và có thể tăng thêm nếu xung đột ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn.

Với Việt Nam, đồng USD tăng mạnh kỷ lục so với VND kể từ đầu năm nay khiến các doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu phải đau đầu bởi chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… đều tăng. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu trước đó nên khi biến động tỷ giá theo chiều hướng tăng sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng thêm. Thậm chí, USD tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đa số doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng cho quý II/2024 trong khi triển vọng đơn hàng cho những tháng tiếp theo không mấy sáng sủa.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội da giày TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, đa số doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Nhiều nhà máy vẫn cắt giảm công nhân do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Qua khảo sát mới đây của hội, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp trong hiệp hội có đơn hàng đến tháng 5, tháng 6. Đa phần các đơn hàng xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ. Còn lại, từ quý 3 đến cuối năm vẫn chưa có đơn hàng.

Và trong bối cảnh căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang, các doanh nghiệp xuất khẩu lại một lần nữa đứng trước nguy cơ đứt gãy đơn hàng. Đáng lo hơn, với những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gỗ… hàng nghìn công nhân lại đứng trước nguy cơ mất việc làm.