Văn bản của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng “cò” xếp lốt tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng “cò” xếp lốt.
Bệnh viện cần báo cáo trước ngày 7/7
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 5/7 đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc rà soát chấn chỉnh quy trình khám bệnh và an ninh trật tự tại bệnh viện.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, ngày 4/7, phương tiện truyền thông có thông tin “cò” xếp lốt khám bệnh, phản ánh các vấn đề người dân bức xúc khi đến khám bệnh tại một số bệnh viện tuyến cuối.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát việc triển khai quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh theo hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế.
Từ đó, bảo đảm rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Khẩn trương triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và khám bệnh, hẹn khám trực tuyến, đăng ký khám theo khung giờ…
Cùng với đó, phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm nội dung trong Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Xử lý nghiêm minh các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng “cò” xếp lốt khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc nếu có vi phạm.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị có trong phản ánh của báo chí về tồn tại “cò” bệnh viện cần báo cáo kết quả rà soát, xử lý, khắc phục về cục trước ngày 7/7.
Lỗ hổng để “cò” hoạt động
Trước đó, tại một số bệnh viện như Bệnh viện K và Bệnh viện Tim Hà Nội, người dân phải xếp hàng từ 2 - 3 giờ sáng. Có bệnh nhân phải đến trước 3 tiếng chờ đến giờ phát số nhưng số thứ tự nhận được vẫn tận mấy trăm. Sở dĩ có tình trạng này là do có nhiều “cò mồi” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện, lấy số để bán cho người khám bệnh có nhu cầu được khám sớm.
Không chỉ giúp “khách hàng” được “đặc cách” để lấy “số ưu tiên”, “cò” còn hứa hẹn “chen chân” vào bất cứ khu vực nào ở bệnh viện, thậm chí mời chào rất chuyên nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, Ban Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, sau khi rà soát đã phát hiện nhiều người là xe ôm, người bán nước đã tự động vào lấy số từ máy tự động, sau đó bán lại cho các bệnh nhân đến muộn.
Trước tình hình trên, đại diện Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, việc lắp đặt máy phát số tự động là một trong những chính sách tự động hóa cũng như giảm bớt nhân lực cho bệnh viện. Tuy nhiên, đây lại là lỗ hổng cho các “cò” hoạt động. Bệnh viện Tim Hà Nội đã yêu cầu các bệnh nhân đến khám không mua số khám bệnh từ “cò”. Tất cả các bệnh nhân đến khám chỉ được phép lấy một số và số đó sẽ được ghim vào sổ khám bệnh của bệnh nhân…
Bệnh viện khẳng định tất cả các hành vi bán số thứ tự trong khuôn viên đơn vị này đều là vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện ra bất kỳ ai bán số trong khuôn viên, bệnh viện sẽ chịu mọi trách nhiệm với pháp luật.
Tình trạng “cò” xếp lốt khám bệnh được cho là không mới. Trước đó, đã có nhiều vụ liên quan đến “cò mồi” dẫn khách khám bệnh được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng xác minh, làm rõ và xử phạt 3 cá nhân có hành vi “cò mồi” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tại cơ quan công an, 3 cá nhân này khai nhận đã làm “cò” dẫn khách khám bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với phương thức đi xếp hàng hộ, lấy số thứ tự cho người đến khám bệnh để hưởng lợi.
Hằng ngày, sau khi mời chào, thỏa thuận mức giá tiền công đi khám từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/1 trường hợp (tùy theo mục đăng ký khám) với người bệnh hoặc người nhà người bệnh nhân, đối tượng yêu cầu gửi trước thông tin cá nhân của người cần khám bệnh qua Zalo.
Sau đó, 2 “cò” còn lại sẽ đến xếp hàng đăng ký khám bệnh. Khi đến lượt, nhân viên bệnh viện đọc tên thì “cò” lấy số và dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân đi khám, xét nghiệm…
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định, để xử lý tình trạng "cò" xếp lốt khám tại các bệnh viện, cần sự phối hợp chặt chẽ với cả chính quyền, công an phường.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Nam Định - ông Trần Trung Kiên cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, phải chỉ đạo bằng văn bản, quán triệt, kiểm tra đột xuất, tăng cường công tác kiểm tra.