UBND TP HCM vừa có văn bản đề nghị Sở GTVT xác định rõ nguyên nhân (chủ quan, khách quan) và có phương hướng, lộ trình thực hiện 4 tuyến xe buýt điện thí điểm theo chủ trương của UBND TP nhưng trễ hẹn nhiều tháng qua.
Thông tin này được nêu trong kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường về tình hình hoạt động thí điểm vận tải tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP HCM.
Ngoài yêu cầu Sở GTVT xác định nguyên nhân chậm triển khai 4 tuyến xe buýt điện, lãnh đạo thành phố yêu cầu sở này đánh giá, phân tích các khoản mục chi phí và doanh thu thực tế của tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn), tham khảo tuyến buýt điện tại Hà Nội để làm rõ sự phù hợp của mức trợ giá đang áp dụng. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì phối hợp với Tổ công tác nghiên cứu, tính toán kỹ để tham mưu UBND TP phương án thực hiện, bảo đảm sự chặt chẽ, đúng quy định.
Trước đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP tăng mức trợ giá cho tuyến xe buýt điện thí điểm D4 từ 44,1% lên 64,8% nhằm hạn chế sự bù lỗ của tuyến buýt này.
Xe buýt điện đưa vào hoạt động giúp giảm ô nhiễm môi trường
Theo Sở GTVT, từ tháng 3-2022, tuyến xe buýt điện D4 là 1 trong 5 tuyến được TP cho thí điểm trong 2 năm, với tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%.
Qua thời gian khai thác, khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 28,7 hành khách/chuyến (tháng 6.2023). Doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ gần 81.000 đồng/chuyến lên mức 154.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, giai đoạn từ năm 2020-2023, tỉ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống xe buýt là 63,7%. Cụ thể, năm 2020 là 59,7%, năm 2021 là 58,3%, năm 2022 là 68,5% và năm 2023 là 64,8%. Do vậy, tỉ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống.
Do đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP tiếp tục tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện và tăng tỉ lệ trợ giá lên 64,8%, thời gian thí điểm từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2025.
Theo Sở GTVT, năm 2023, số tiền trợ giá xe buýt ở TP HCM là hơn 1.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong 6 tháng chỉ đạt 42,5 triệu lượt hành khách, đạt 44,4% so với kế hoạch năm 2023 (95,6 triệu lượt hành khách).