WHO nghiên cứu khả năng đột biến gene thúc đẩy đậu mùa khỉ lây lan
Từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Biểu hiện của triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn...
Ngày 17/8 WHO cho biết đang có các nghiên cứu đánh giá khả năng những biến đổi về gene trong virus gây bệnh đậu mùa khỉ, là nguyên nhân khiến căn bệnh này đang lây lan mạnh.
Trước đó, WHO đã công bố tên gọi mới cho 2 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ phổ biến nhất hiện nay nhằm tránh những hàm ý địa lý tiêu cực.
Clade I là tên gọi mới dành cho biến thể có nguồn gốc từ Congo (Trung Phi) mà trước đây hay được gọi với tên không chính thức là “biến thể lưu vực (sông) Congo,” trong khi Clade II là tên mới chỉ biến thể có nguồn gốc từ Tây Phi.
WHO cũng xác nhận biến thể Clade II có 2 biến thể phụ là Clade IIa và Clade IIb, trong đó, Clade IIb được cho là đang gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Cũng trong ngày 17/8, WHO khẳng định, 2 biến thể phụ Clade IIa và Clade IIb có quan hệ với nhau và có cùng một “tổ tiên,” do đó Clade IIb không phải là biến thể phụ của Clade IIa.
Clade IIb bao gồm các virus được thu thập trong những năm 1970 và từ năm 2017 trở lại đây.
WHO giải thích: “Khi nghiên cứu bộ gen, thực sự có một số khác biệt di truyền giữa các virus của đợt bùng phát hiện nay và các virus thuộc biến thể Clade IIb trước kia. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết gì về ý nghĩa của những đột biến di truyền này và công tác nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tác động (nếu có) của các đột biến đối với sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.”
Theo WHO, hiện chưa có thông tin gì về vai trò của những đột biến này đối với cách thức tương tác của virus đậu mùa khỉ đối với phản ứng miễn dịch của con người.
Cũng theo WHO, quá trình đặt lại tên cho căn bệnh đậu mùa khỉ có thể “phải mất vài tháng.”
Thời gian gần đây, WHO đã bày tỏ quan ngại về tên gọi hiện nay của căn bệnh, trong đó các chuyên gia cho rằng cách gọi “đậu mùa khỉ” vừa không chính xác vừa dễ gây hiểu nhầm.
Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc virus gây bệnh được phát hiện ở những con khỉ thí nghiệm tại Đan Mạch hồi năm 1958.
Tuy nhiên, căn bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở các loài gặm nhấm và đợt dịch hiện nay bùng phát qua tiếp xúc gần giữa người với người.
Nước nào đã có bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ?
Bộ xét nghiệm RT-PCR bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên sản xuất tại Ấn Độ sẽ giúp chẩn đoán sớm và hỗ trợ cơ quan y tế có biện pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Báo The Times của Ấn Độ đưa tin, bộ xét nghiệm do công ty Transasia Bio-Medicals Ltd phát triển, đã được ra mắt tại khu công nghệ y tế Andhra Pradesh Medtech Zone.
Chủ tịch Transasia Bio-Medicals Ltd Suresh Vazirani cho biết, bộ xét nghiệm này sẽ giúp chẩn đoán sớm và hỗ trợ cơ quan y tế có biện pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh trong bối cảnh Tổ chức WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, đến nay, có 32.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 82 nước và vùng lãnh thổ chưa từng ghi nhận ca bệnh này, trong đó Mỹ là nước có số ca mắc đông nhất với hơn 14.000 ca.
Cách phòng ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ
Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhưng với tình trạng diễn biến ở các quốc gia khác nên chúng ta không được chủ quan.
Với những biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ, chúng ta không nên chủ quan về căn bệnh này. Đặc biệt hơn là những đối tượng có hệ miễn dịch kém, người gia, trẻ em. Mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau trong việc giúp phòng ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trong trường hợp có những biểu hiện bất thường nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, thì bạn nên tự cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời tự liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn trực tiếp trong điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần phải đảm bảo phòng hộ để tránh nhiễm khuẩn chéo. Với những trường hợp cần tiếp xúc trực tiếp để chăm sóc người bệnh thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh.
Cần sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc có thể tiếp xúc với các trường hợp mà có dấu hiệu của bệnh.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và đảm bảo chung thuỷ một vợ một chồng.
Không nên tiếp xúc với những loại động vật có nguy cơ nhiễm virus đầu mùa khi chẳng hạn như những động vật bị chết, động vật đang bị bệnh, chó đồng, khỉ và một số loại động vật gặm nhấm khác hoặc người bệnh có tiền sử mắc bệnh.
Cần thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay bằng việc rửa tay bằng xà phòng, cồn, chất khử trùng. Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi tiếp xúc với đối tượng có nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên có thói quen vệ sinh bàn tay để tránh lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm.
Nên lưu ý khi sử dụng các loại động vật có nguồn gốc và đảm bảo an toàn khi chế biến cũng như thức ăn phải được nấu chín. Không nên sử dụng các loại thịt tái có thể tăng cao nguy mắc bệnh.
Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Vietnam+)