Triển vọng tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp Quảng Trị

Admin

Đang có nhiều triển vọng tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Quảng Trị sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế ổn định.

Những chuyển động mới

Trong nửa đầu năm 2022, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Trị, nhiều dự án trọng điểm sau thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã rục rịch trở lại; đồng thời, một số dự án mới cũng được nhà đầu tư quan tâm, xúc tiến tạo nên nhiều nét tích cực trong bức tranh thu hút đầu tư tỉnh Quảng Trị.

Triển vọng tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp Quảng Trị - Ảnh 1.

Khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: Mỹ Hạnh

Ngay từ đầu năm (ngày 15/1), liên danh các nhà đầu tư là Tập đoàn T&T - HEC - KOGAS - POSKO đã "mở đầu" bằng việc tổ chức khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, công suất phát điện 1.500 MW. Dự án góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.

Trong giai đoạn 1 (1.500MW), dự án được thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại địa bàn xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng - giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW.

Một dự án hạ tầng khác cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm dư địa cho thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới đó chính là Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP Quảng Trị). Dự án do liên danh nhà đầu tư: Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), CTCP Đô thị Amata Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản làm chủ đầu tư; có quy mô khoảng 500ha, tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ, được thực hiện tại khu vực thị trấn Diên Sanh, các xã Hải Trường, Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai trên phạm vi 100ha với mức vốn đầu tư 504 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2025. Dự án đã được chính thức khởi động vào ngày 30/4 vừa qua.

Ngay sau khi dự án được khởi động, trong tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký Quyết định thành lập Khu công nghiệp Quảng Trị. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, khi hoàn thành đưa vào hoạt động, khu công nghiệp sẽ trở thành điểm sáng, tạo thêm cực tăng trưởng kinh tế, kích hoạt thị trường bất động sản công nghiệp, tạo nền tảng cơ bản và động lực quan trọng để thu hút đầu tư.

Một dự án lớn khác cũng đang có nhiều động thái mới trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư đó chính là Khu bến cảng Mỹ Thuỷ. Dự án do CTCP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP – Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019.

Triển vọng tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp Quảng Trị - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ do CTCP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư. Ảnh: BQL KKT Quảng Trị

Dự án có quy mô 10 bến, tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng. Riêng ở giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư 4 bến, tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 750 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 2/2020, tuy nhiên sau đó thì rơi vào cảnh "án binh bất động".

Sau khi UBND tỉnh Quảng Trị liên tục đốc thúc và đưa ra các cảnh báo thu hồi, ngay từ đầu năm 2022, phía Công ty MTIP đã có những động thái mới. Cụ thể, doanh nghiệp này đã tiến hành tái cấu trúc lại cơ cấu với sự tham gia của cổ đông mới là SAM Holdings. Đồng thời, MTIP cũng cam kết trong vòng 210 ngày kể từ ngày 5/1/2022 sẽ bổ sung vốn điều lệ (2.250 tỷ đồng) và vốn chủ sỡ hữu (750 tỷ đồng) đầy đủ để có thể thực hiện giai đoạn 1 dự án. Trong trường hợp các cổ đông không góp đủ vốn theo đúng thời hạn thì cổ đông mới SAM Holdings sẽ thực hiện mua 49% quyền góp số vốn còn lại và đảm bảo tiến độ góp vốn hoàn thành trong tháng 8/2022.

Nhiều dự án mới được nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất

Bên cạnh các hoạt động của những dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, nhiều dự án mới cũng được các nhà đầu tư khảo sát, xúc tiến.

Cụ thể, trong ngày 25/4, CTCP BB Group và UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp khí và Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị thống nhất để Tập đoàn BBG và Tập đoàn Quantum tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư 2 dự án tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thuộc huyện Hải Lăng, gồm: Dự án Trung tâm công nghiệp khí Hải Lăng - Quảng Trị có quy mô khoảng 140ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD. Dự án thực hiện từ năm 2022 - 2030; trong đó giai đoạn 1 triển khai từ năm 2022 – 2027 với số vốn 3,5 tỷ USD; giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030 với số vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Dự án thứ hai là Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô khoảng 275ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD, thời gian đầu tư dự án từ năm 2022 - 2025.

Triển vọng tích cực trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp Quảng Trị - Ảnh 3.

Khu vực Cảng Cửa Việt thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Tân

Với thỏa thuận này, Tập đoàn BBG và Tập đoàn Quantum cam kết huy động đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án ngay sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư; bố trí kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cam kết triển khai đầu tư các hạng mục công trình, chấp hành đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai đầu tư và vận hành, khai thác, sử dụng, hoạt động của dự án.

Về phía, UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương có trách nhiệm tạo các điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư triển khai các thủ tục liên quan của dự án; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án phù hợp với quy định của Chính phủ và tỉnh…

Cũng trong nửa đầu năm 2022, một số nhà đầu tư khác đã đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án mới tại các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Trị như: CTCP Đầu tư Hacom Holding nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và cây xanh, dịch vụ thể dục thể thao; CTCP thép Vina Roma Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Quảng Trị; CTCP BĐS Capella nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án KCN sinh thái – Capella Quảng Trị tại KKT Đông Nam Quảng Trị…

Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết:" Để hỗ trợ nhà đầu tư, trong thời gian tới, BQL Khu kinh tế sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh. Phối hợp các sở ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án hoàn thành các thủ tục đầu tư còn thiếu đối với các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam. Rà soát, đánh giá, phân loại các dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giao đất để đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai thực hiện".

Trong nửa đầu năm 2022, BQL Khu kinh tế Quảng Trị đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 120,8 tỷ đồng, diện tích đất thuê trên 12,2 ha.

Tính chung, đã có 185 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 160.381 tỷ đồng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Trị. Trong đó 116 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.325 tỷ đồng, 69 dự án đang xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 150.056 tỷ đồng.