Tp.HCM: Sức mua hạn chế, nỗ lực bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng

Admin

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng còn khiêm tốn nên Tp.HCM tìm cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Đầu tháng 5/2024, đại diện một số hệ thống bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù sức mua đã cải thiện trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung, cầu thị trường thời điểm này đang thấp. Vì vậy, kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 vừa qua, nhiều đơn vị đã đưa ra chương trình khuyến mãi hàng hóa.

Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, trong đợt cao điểm nắng nóng, lượng khách hàng đến mua sắm không tăng nhưng thời gian lưu lại siêu thị trong mỗi lần mua sắm lại tăng.

"Siêu thị đã thiết kế chương trình khuyến mãi phong phú, sắp xếp lại hàng hóa khoa học, bắt mắt hơn, tập trung vào nhóm hàng phục vụ ăn uống, với mục tiêu tăng giá trị giỏ hàng của khách", ông Khôi cho biết.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op đánh giá, do người tiêu dùng vẫn rất quan tâm đến khuyến mãi, giảm giá nên các chương trình ưu đãi đều được thiết kế dựa trên nhu cầu thực của khách hàng, trong đó đặc biệt ưu tiên quyền lợi cho nhóm khách hàng thành viên.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Sức mua hạn chế, nỗ lực bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng

Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích hay ở kênh bán hàng online… càng trở nên khốc liệt hơn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết tình hình kinh tế quý I/2024 đã chuyển biến tích cực, sức mua tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Người dân có xu hướng cẩn trọng trong mua sắm, gắn liền với các mặt hàng thiết yếu và bữa ăn hằng ngày, chú trọng giá cả và quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

"Trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã có kế hoạch tiết giảm chi phí, giữ giá thành để kích cầu. Chuỗi cung ứng được gắn kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp với nhà phân phối, giữ cho giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng ổn định", ông Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các doanh nghiệp phân phối đã lên kế hoạch kinh doanh cả năm, tiến hành mua hàng tận gốc và với số lượng lớn để nhà cung cấp chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng. Hệ thống siêu thị cũng gia tăng số lượng nhà cung cấp chiến lược để cùng nhau thực hiện các chính sách về giá, các chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng.

"Các ban, ngành đều vào cuộc để kích cầu, giảm giá cho người dân tích cực mua sắm. Hiện nay, doanh nghiệp tham gia các chương trình kích cầu có lợi nhuận rất ít, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận hòa vốn để giữ hoạt động sản xuất được đều đặn", bà Chi nói.

Tìm phương án kết nối cung cầu

Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam cho rằng, trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường, do sau đại dịch người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường giảm mạnh.

Trước những khó khăn trên, bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, các doanh nghiệp  cần tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ, công nghệ mới hiệu quả. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng, đem đến bằng những sản phẩm mang “bản sắc” riêng của doanh nghiệp cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn.

“Thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng. Tiêu biểu như TikTok shop, được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới, với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng livestream...”, bà Vũ Kim Hạnh nhận định.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mặc dù bán buôn, bán lẻ đang tăng ở mức 2 con số nhưng thị trường nội địa cần tiếp tục kích cầu.

Giữa bối cảnh sức mua giảm, câu chuyện làm thế nào để thu hút người tiêu dùng là vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Theo đó, các hệ thống bán lẻ ở thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tung ra những đợt khuyến mãi theo từng ngành hàng khác nhau để đánh vào tâm lý “yêu thích mua hàng giảm giá” của người tiêu dùng.

Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục hỗ trợ các tiểu thương chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử để gia tăng kênh bán hàng. Cùng với đó là giải pháp gia tăng tín dụng cho tiêu dùng giữa nhà bán lẻ và ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Thêm nữa, các chương trình kích cầu, kết nối giao thương cũng đang được tính toán để triển khai quy mô và kéo dài trong các tháng tiếp theo với điểm nhấn là mùa khuyến mại tập trung và chương trình khuyến mại hàng hiệu, được kỳ vọng trở thành đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng với chương trình bình ổn giá, hiện đã có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường. Ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm thì chương trình lần này còn mở rộng thêm nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhóm thiết bị học tập là sản phẩm thiết bị điện tử.

Quy chế thực hiện chương trình này cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thêm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giảm chi phí mặt bằng, sản xuất lưu thông hàng hóa, đặc biệt về phía quận huyện sẽ được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả.

Các mô hình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung cần huy động những doanh nghiệp lớn, hạn chế tăng giá, giảm chi phí, giữ giá ổn định phục vụ thị trường, ngăn chặn lạm phát. Dự kiến từ ngày 15/6 đến 15/7, Thành phố sẽ triển khai đợt khuyến mãi tập trung để kích cầu tiêu dùng.