Sáng 15-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết hiện nay, số người mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn đến trạm y tế khám và lấy thuốc điều trị gia tăng. Tỉ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị tăng từ 15% lên 63%.
Số người bệnh đái tháo đường đến trạm y tế lấy thuốc năm 2023
Tỉ lệ bệnh nhân đạt đường máu mục tiêu năm 2023
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu, gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Từ năm 2022 - 2023, với sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Sở Y tế TP HCM đã triển khai thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 43 trạm y tế thuộc 10 trung tâm y tế trên địa bàn.
Hoạt động này đã đạt hiệu quả và ngày càng thu hút người bệnh đến trạm y tế khám và lấy thuốc. Cụ thể, từ 706 bệnh nhân (tháng 1) tăng lên 3.500 người bệnh (tháng 10). Bên cạnh đó, ngành y tế TP còn huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ phụ trách chương trình bệnh không lây nhiễm tuyến quận, huyện, phường, xã về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý tại trạm. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo tư vấn chuyên sâu về dinh dưỡng và hoạt động thể lực đối với người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
Theo HCDC, trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng và duy trì những thói quen sống lành mạnh.
Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, duy trì cân nặng ở mức bình thường là rất quan trọng vì thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ và sàng lọc, đặc biệt là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện các dấu hiệu sớm; khuyến khích mọi người thực hiện những thay đổi cần thiết để trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021 trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Bệnh cũng là nguyên nhân gây tử vong cho 6,7 triệu người trong năm 2021. Cũng trong năm này, có hơn 1,2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đái tháo đường tuýp 1 và 16,67% phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ. Ước tính có khoảng 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán trên toàn thế giới. Đặc biệt, gần 90% người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia năm 2020 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở đối tượng 30-69 tuổi cho thấy tỉ lệ đái tháo đường là 7,3%; tiền đái tháo đường 17,8%; 62,6% người mắc bệnh không được phát hiện và 52,3% chưa bao giờ làm xét nghiệm đường huyết.