Tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu "quỹ phụ huynh" gây bất bình

Admin

(NLĐO)- Nội dung trên được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ khi thẩm tra các báo cáo liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2023

Ngày 16-10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó có đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.

Tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu quỹ phụ huynh gây bất bình - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đến thời điểm này của năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nên cách chức hiệu trưởng để xảy ra lạm thu

Ngăn tiếng xấu lạm thu học đường

Trường bị tố lạm thu, tiền quỹ tới 500 triệu đồng: Hiệu trưởng bị phê bình

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại.

Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21-9 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. 

Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-9 giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ một số vấn đề xã hội được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu "quỹ phụ huynh" gây bất bình cho phụ huynh. Số người rút bảo hiểm xã hội tăng cao. 

Từ một số vấn đề nêu trên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.

Cùng với đó, sớm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động.

Theo Ủy ban Kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung (có 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%).