Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 2 sân bay dân sự - thương mại, trong đó có dự án 16 tỷ USD lớn kỷ lục

Admin

Một tỉnh ở sát vách TP.HCM sẽ có thêm danh hiệu "tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 sân bay dân sự - thương mại".

Đề xuất giao Đồng Nai đầu tư sân bay Biên Hòa

Tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký văn bản số 175/TTg-CN về việc đầu tư Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP.

Phó Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư như đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 2 sân bay dân sự - thương mại, trong đó có dự án 16 tỷ USD lớn kỷ lục- Ảnh 1.

Sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay. Ảnh: Báo Đồng Nai

Trước đó, hồi cuối tháng 2 năm nay, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Theo Bộ GTVT, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E. Do đó, Bộ GTVT cho rằng việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Do cảng hàng không Biên Hòa được hình thành trên cơ sở tận dụng quỹ đất, kết cấu hạ tầng của sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý nên phương án khai thác lưỡng dụng cần có sự thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 2 sân bay dân sự - thương mại, trong đó có dự án 16 tỷ USD lớn kỷ lục- Ảnh 2.

Viễn cảnh sân bay Biên Hòa trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Bởi vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã giao "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy hoạch cảng hàng không mới (bao gồm cả cảng hàng không Biên Hòa, Thành Sơn) xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư cảng hàng không theo phương thức PPP; triển khai đầu tư khi bảo đảm hiệu quả, an toàn, đánh giá đầy đủ tác động có liên quan".

Địa phương đầu tiên có 2 sân bay

Sân bay Quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cách sân bay Tân Sơn Nhất của TPHCM khoảng 30km.

Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.

Khi sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự - thương mại là sân bay quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 2 sân bay dân sự - thương mại, trong đó có dự án 16 tỷ USD lớn kỷ lục- Ảnh 3.

Công trường sân bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh: ACV

Trong khi đó, Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD), trong đó dành 4% cho giai đoạn một. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, tiến độ xây dựng sân bay Long Thành hiện đang bám sát kế hoạch.

Đến nay, công tác thi công đường cất hạ cánh đang bám sát tiến độ, về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục nền đất, nền cát. Lớp cấp phối đá dăm đã hoàn thành trên 70%. Hạng mục đài kiểm soát không lưu, tháp được khởi công vào cuối tháng 9/2023, đến nay đã thi công đến cao độ 42,355m, vượt tiến độ thi công hơn 20 ngày.

Đối với dự án thành phần các công trình phục vụ quản lý bay, ban quản lý dự án đang đôn đốc nhà thầu thi công tiếp tục tăng cường nhân lực, tăng ca tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn bộ các hạng mục đặc biệt là tháp chỉ huy.

Ngày 10/4, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc bàn giao mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, đánh giá đến nay mặt bằng dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, tuy nhiên ACV cho biết vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các hạng mục công trình.

Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 2 sân bay dân sự - thương mại, trong đó có dự án 16 tỷ USD lớn kỷ lục- Ảnh 4.

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Trên đại công trường sân bay Long Thành, các nhà thầu đã huy động hơn 3.200 nhân lực và gần 1.300 máy móc, trang thiết bị để thi công. Đến nay, giải ngân đầu tư công của các gói thầu đạt hơn 11.300 tỷ đồng.

Công trình đường cất hạ cánh sân bay Long Thành hiện đang phấn đấu hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025), rút ngắn khoảng 3 tháng so với dự kiến ban đầu.