Không khó để thấy, nhiều bạn trẻ ngày một thức muộn hơn. Nhiều bạn cho rằng nhiều hoạt động giải trí vào ban đêm sẽ giúp cho bản thân được thư giãn sau một ngày làm việc thay vì nghỉ ngơi. Ỷ vào sức khỏe tuổi trẻ, nhiều bạn đã vô tình coi thường những nguy hại về sức khỏe được bác sĩ khuyến cáo do thức khuya mang lại.
‘Đêm khuya là khoảng thời gian sinh hoạt cá nhân’
Khi nhắc đến thời gian đêm khuya, phần lớn các bạn trẻ trả lời rằng đây là thời gian các bạn có thể dành cho mình và tập trung vào hoạt động mình thực sự muốn làm.
Bạn Nguyễn Thu Phương cho rằng: "Nhà mình không ở Hà Nội, nên ngay khi lên đây học bản thân như được tự do vậy. Không bị ai quản thúc, cùng với đó ban ngày mỗi người có công việc riêng, nên buổi tối là thời gian để mình làm việc riêng. Điều này cũng ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt của mình, những bữa ăn chính trong ngày cùng giấc ngủ bị lệch thời gian đã ảnh hưởng đến cơ thể mình rất nhiều. Cơ thể mình luôn ham ngủ vào các khung giờ khác nhau trong ngày, mình thuận theo nó và tối không thể ngủ".
"Sau một thời gian, mình dần stress điều tồi tệ nhất đã xảy đến mình được bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu viêm loét dạ dày. Mỗi ngày, phần người bên trái phía dạ dày của mình đau nhói đến mức toát mồ hôi, nhất là lúc mình mải làm việc không ăn uống đúng giờ. Có một đợt mình lên cơn sốt, sự mệt mỏi và cơn đau dạ dày hành hạ khiến mình rất mệt mỏi", Phương chia sẻ về tình trạng sức khỏe của bản thân khi ngày một thức muộn hơn.
"Ngay khi khỏi mình đã ngay lập tức thay đổi chế độ sinh hoạt của bản thân. Mình giảm tần suất các cuộc hẹn về muộn hoặc cố gắng hoạt động giải trí vào ban ngày. Đêm dù khó ngủ như nào mình vẫn cố nhắm mắt không động đến thiết bị điện tử. Thời gian đầu mình vào giấc cũng khó lắm tại cơ thể quen thức khuya rồi nhưng sau cơ thể đã dần quen múi giờ mới, mình đã thấy ổn hơn. Mình còn nhận thấy được sinh hoạt lại đúng giờ giấc, khả năng tập trung của mình vào ban ngày tốt hơn rất nhiều mà bấy lâu nay mình không nhận ra", Phương đưa ra lời khuyên để có thể ngủ sớm hơn.
Nhiều bạn trẻ thức quá muộn để chơi game, làm việc cá nhân sau một ngày học tập và làm việc.
Còn bạn Đỗ Thanh Tùng, lí do thức khuya do đồng hồ sinh học của bản thân bị đảo lộn: "Thời gian mình đi làm lại vào ban đêm nên bình thường giấc ngủ của mình diễn ra vào ban ngày. Những giấc ngủ ban ngày khiến bản thân mình hay bỏ bữa. Đồng hồ sinh học của mình bị đảo lộn. Vì gặp khó khăn trong thời gian vừa rồi nên bản thân có thời gian rảnh thì sẽ cố gắng đi làm, những bữa tối của mình diễn ra nhanh chóng thậm chí khi có việc mình sẽ bỏ dở bữa ăn. Công việc và khó khăn ập đến khiến mình stress cực độ, cơ thể mình bị suy nhược thậm chí có lúc chân tay run mất kiểm soát. Mình đã có lúc ngất đi trong lúc làm việc. Thỉnh thoảng còn bị đau nửa đầu, giảm khả năng tập trung khiến hiệu suất công việc của bản thân bị giảm sút".
Tuy nhiên, hiện tại, Tùng đã tìm lại được sự cân bằng trong giờ giấc sinh hoạt. "Giờ cuộc sống của mình cũng dần ổn định lại, mình đang lên lại kế hoạch nghỉ ngơi và chuyển hướng công việc mới. Trước khi thực hiện được điều đó, bản thân luôn cố gắng ngủ đủ 8 tiếng và ăn đúng bữa", Tùng cho hay.
Thức khuya mang đến hệ lụy khôn lường về sức khỏe
Làn da nhanh lão hóa
Thức khuya thường xuyên khiến cơ thể thiếu nước khiến da khô và dễ bong tróc. Da trở nên yếu dễ nổi mụn, gặp các tình trạng sưng viêm dưới tác nhân của môi trường bên ngoài. Tình trạng bong tróc khiến da trở nên sần sùi không đủ thời gian để tái tạo lại những hư tổn. Da dần sạm, vàng da và thiếu sức sống.
Thức khuya cũng là một nguyên nhân thúc đẩy hắc tố melanin hoạt động mạnh mẽ hơn trên da. Tại một điểm khi hắc tố này tích tụ lại sẽ hình thành những đốm nâu, mảng tàn nhang.
Mắc bệnh về tim mạch
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, bệnh viên Hữu Nghị Việt Đức đã khuyến cáo việc thức khuya làm tăng nguy cơ mắc động mạch vành ở tim. Với trường hợp nặng hơn mảng xơ vữa không ổn định gây nứt hoặc vỡ dẫn đến khó thở, nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra suy tim ở người bệnh.
Ảnh hưởng tới não bộ
Các bác sĩ cũng cho biết thức khuya là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy giảm trí nhớ. Nhiều số liệu thống kê chỉ ra người có thời gian sinh hoạt về đêm suy giảm trí nhớ gấp 5 lần so với người ngủ đúng thời gian sinh học. Thói quen thức muộn làm con người gặp nhiều vấn đề khác liên quan đến hệ thần kinh. Trong đó các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là thường xuyên đau nhức đầu, tâm trạng tồi tệ luôn cảm thấy lo âu hoặc căng thẳng nặng hơn sẽ dẫn người đó đến chứng trầm cảm,...
Nhiều bạn trẻ đã tự tìm cách để ngủ sớm hơn sau khi nhận thấy sức khỏe suy giảm đáng kể do thức muộn.
Suy giảm hệ miễn dịch
Thức khuya thường xuyên khiến cơ thể không được nạp đủ năng lượng. Vì vậy, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải cố sức hoàn thành các hoạt động của một ngày dài. Điều này tác động mạnh mẽ vào hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể trở nên nhay cảm khiến người đó dễ mắc các bệnh vặt : Viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm, viêm họng cấp,...
Rối loạn nội tiết
Sinh hoạt lệch múi giờ sinh học khiến dễ mắc có chứng rối loạn nội tiết. Điều này thể hiện rõ nhất ở các bạn nữ, các bạn dễ rối loạn kinh nguyệt, mất sự cân bằng hormone trong cơ thể.
Ảnh hưởng hệ tiêu hóa
Các hoạt động về đêm cũng tiêu hao năng lượng vì vậy để duy trì thức khuya, phần lớn người thức sẽ nạp thêm năng lượng qua đường tiêu hóa. Đây là một điểm đáng báo động, vì lúc này hệ tiêu hóa vẫn phải hoạt động các lớp niêm mạc đáng lẽ được tái tạo trong lúc ngủ lại không được phục hồi dẫn đến các biến chứng về dạ dày, điển hình là viêm loét dạ dày.
Làm sao để ngủ ngon và sâu giấc hơn?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên tập thói quen ngủ đúng giờ, trong trường hợp công việc không quá cấp bách hãy tạm gác sang một bên. Không ngủ bù để điều chỉnh đồng hồ sinh học theo đúng khoa học. Nếu còn trằn trọc bạn có thể nghe thêm chút nhạc nhẹ nhàng cho thư thái. Nguyên tắc ăn uống cũng là một yếu quan trọng tác động trực tiếp đến giấc ngủ.
Để có giấc ngủ chất lượng, bác sĩ cho rằng không được ngủ khi bụng đói và không ăn quá no rồi ngủ luôn. Tránh các thực phẩm như trà, cà phê, các đồ uống có cồn,... Lượng thực phẩm trên sẽ tạo nên chất kích thích khiến não bộ hưng phấn, khó đưa các bạn vào giấc ngủ. Môi trường bên ngoài cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, việc tạo một môi trường ngủ thư giãn, nhiệt độ phòng mát mẻ, ít ánh sáng cùng không gian yên tĩnh là điều quan trọng. Tránh xa ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước khi vào giấc ngủ. Bạn có thể thêm mùi hương yêu thích cho không gian của bạn để tăng hiệu quả đi vào giấc ngủ hơn.
Trước khi ngủ tầm 1 tiếng bạn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng giúp tuần hoàn máu cơ thể tốt hơn tăng hiệu quả đạt được giấc ngủ sâu. Nếu trong trường hợp vẫn trong trạng thái lo lắng cực độ, không thể ngủ, căng thẳng lâu dài hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ. Khi đó, các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.