Thu lợi từ rừng và bài toán phát triển kinh tế từ tín chỉ carbon

Admin

Tín chỉ carbon được xem là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế xanh, là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm phát thải, bảo vệ môi trường…

Từ câu chuyện “tiền tươi, thóc thật”

Thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, đầy tham vọng liên quan đến phát triển xanh, trong đó bao gồm đưa mức thải ròng về 0 đến năm 2050.

Chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính vừa được đánh giá là cam kết lâu dài của Việt Nam, đồng thời cũng là xu thế tiêu dùng nhiều nước theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon.

Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Hoàng Thế - Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS chia sẻ, tín chỉ carbon được hiểu đơn giản là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí carbon hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang carbon tương đương.

“Hiện nay, thị trường carbon được chia thành 2 loại, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Cụ thể, thị trường carbon bắt buộc dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. Còn thị trường carbon bắt buộc thì dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội, quản trị doanh nghiệp, giảm dấu chân carbon”, ông Thế nói.

Kinh tế vĩ mô - Thu lợi từ rừng và bài toán phát triển kinh tế từ tín chỉ carbon

TS. Lê Hoàng Thế - Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS.

Đánh giá về tiềm năng cung ứng tín chỉ carbon ở Việt Nam, ông Thế nhận định, Việt Nam thuộc số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng phát thải carbon. Việt Nam nằm trong top 20 nước có lượng phát thải carbon cao nhất năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 2010 - 2022 đạt 57,3%, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới.

Liên quan đến 51,5 triệu USD “tiền tươi thóc thật" từ bán tín chỉ carbon, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay Việt Nam đã hoàn thiện chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB.

Khoản tiền trên đã phân bổ 80% nguồn tiền cho 6 tỉnh thành Bắc Trung Bộ tham gia và sẽ phân bố hết số tiền còn lại trong thời gian tới.

Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này. Đối tượng được hưởng lợi chính là các cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân giữ rừng…

Đại diện Cục lâm nghiệp chia sẻ: “Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện”.

Thách thức bên cạnh tiềm năng

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính đang là xu thế chung của các nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, đối với nhiều quốc gia, từ ngày 1/7 tới đây sẽ xác nhận tín chỉ carbon cũng như tác động của việc phát thải khí nhà kính với các sản phẩm, hàng hóa từ đó coi như điều kiện xem xét nhập khẩu, sử dụng hàng hóa trên thị trường quốc gia họ.

“Vì vậy việc thích ứng với yêu cầu về tín chỉ carbon trở thành điều rất quan trọng, với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nói chung. Điều này dần trở thành yêu cầu mang tính bắt buộc”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh những tiềm năng lớn của tín chỉ carbon, TS. Lê Hoàng Thế chỉ ra rằng, doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do Việt Nam còn thiếu nhiều về nhân sự, chuyên gia trong lĩnh vực carbon.

Kinh tế vĩ mô - Thu lợi từ rừng và bài toán phát triển kinh tế từ tín chỉ carbon (Hình 2).

Thị trường tín chỉ carbon cần đi trước để bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp.

Đưa ra giải pháp, ông Thế cho hay Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

“Kinh tế xanh là nền kinh tế giảm phát thải, không gây hại cho môi trường. Hiện nay, có nhiều cách để phát triển kinh tế xanh, trong đó, tín chỉ carbon là mắt xích quan trọng. Chính vì vậy, cần áp dụng những công cụ kinh tế trong xây dựng thị trường carbon nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng cường sức cạnh tranh”, ông Thế nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon là một trong những điều cần làm ngay và luôn. Khi có thị trường carbon, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu được đưa ra trong quá trình sản xuất, chế biến hàng hóa.

“Thị trường tín chỉ carbon gần như là xương sống, điều kiện tiên quyết để làm cho nhận thức, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo môi trường sống được nâng lên một tầm cao mới”, ông Thịnh khẳng định.

Bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp

Tại cuộc họp báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam hồi tháng 1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

"Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia", Phó Thủ tướng nói.