Thời điểm vàng trong cấp cứu đột quỵ

Admin

Miền Bắc đã chính thức bước vào cao điểm của đợt nắng nóng trên diện rộng từ ngày 7/7 với nhiệt độ ngoài trời có thể cao 41-43 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến nguy cơ mất nước, kiệt sức, đột quỵ đối với người dân tăng cao đáng báo động.

Thời điểm vàng trong cấp cứu đột quỵ - Ảnh 1.

Bệnh nhân đột quỵ được cứu chữa kịp thời tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh BVCC.

Ngày 7/7, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang, Hà Nội cho biết vừa tiếp nhận và điều trị thành công 2 ca bệnh nhập viện cấp cứu do đột quỵ.

Bệnh nhân thứ nhất tên là N.V.D., (SN 1962, quê Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó. Ngay lập tức ông D. được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang. Bệnh nhân được khám và làm các xét nghiệm liên quan tới đột quỵ và được chẩn đoán đột quỵ não thể nhẹ. Ông D. được chỉ định dùng thuốc kháng tiểu cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu. Được cấp cứu thành công, ông D. tiếp tục nằm theo dõi tại Khoa Cấp cứu và điều trị nguyên nhân dự phòng tái phát lâu dài. Hiện tại, sức khỏe ông D. đã phục hồi tốt và sinh hoạt gần như bình thường.

Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là ông N.Đ.T. (63 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nói khó, liệt nửa người trái. Cách thời gian nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, ông N.Đ.T. tự đo huyết áp 140/90mmhg, tự uống huyết áp nhưng triệu chứng không cải thiện. Sau khoảng 2,5 giờ, bệnh nhân được người nhà đưa tới khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khám đánh giá, chụp CT, làm các xét nghiệm liên quan đến đột quỵ cấp. Ngay khi có kết quả chụp CT, bệnh nhân được chẩn đoán, nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.

Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau khoảng 10 phút sử dụng thuốc, cơ lực tay của bệnh nhân được cải thiện. Sau khoảng 30 phút dùng thuốc gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại tốt, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Hiện tại, sức khỏe ông T. đã phục hồi và được ra viện.

Trong khi đó, BVĐK Tâm Anh mới đây cũng cho biết vừa tiếp nhận một số trường hợp nhập viện do đột quỵ.

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Phương Trang - Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, BVĐK Tâm Anh lý giải: “Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số. Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ”.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Mặc dù, ngày nay với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm, nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, thực tế là không ít các bệnh nhân tới viện khi đã qua thời điểm này.

“K­­iến thức “giờ vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu. Đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4” - PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình cần lưu ý dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ để phát hiện kịp thời. Cụ thể, khi có biểu hiện như nói khó, cầm nắm không vững, ho, sốt, huyết áp tăng, buồn nôn, chóng mặt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì cần đến bệnh viện khám, không nên tự điều trị tại nhà. Thời điểm "vàng" điều trị đột quỵ là từ 4 - 6 giờ đầu sau tai biến. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, gia đình đưa người bệnh đến viện ngay, không sử dụng biện pháp dân gian như xoa bóp, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những ngày nắng nóng người dân cần tránh hoạt động ngoài trời từ 10h - 16h. Bên cạnh đó, người dân quan tâm đến chế độ ăn, uống, chịu khó uống nhiều nước và đều đặn để bù vào lượng nước mà cơ thể bị thiếu hụt. Đặc biệt, không nên đợi đến lúc khát mới uống và uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày.

Kiến thức “giờ vàng” đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Đa số bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ lại nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu. Đối với những bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì cũng đã mất một khoảng thời gian di chuyển, khi đến được bệnh viện có thể đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4 - PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc chia sẻ.