Thép Pomina (POM) ước tính thu gần 6.000 tỷ đồng sau khi bán 2 nhà máy, sẽ dùng để trả nợ ngân hàng và nhà cung cấp

Admin

Tiết lộ về nhà đầu tư mới, Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho biết đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

Sáng ngày 1/3/2024, Thép Pomina (POM) đã tổ chức Đại hội bất thường công bố kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, POM dự kiến thành lập một pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% cơ cấu vốn) và vốn vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60% cơ cấu vốn).

Trong đó, POM sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại.

Ban lãnh đạo POM cho biết, kết quả định giá tài sản của hãng kiểm toán AFC và hãng tư vấn Savills, tổng giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, Nhà máy Pomina 1 được định giá là 336 tỷ đồng và Nhà máy Pomina 3 được định giá gần 6.358 tỷ đồng.

Ước tính thu gần 6.000 tỷ đồng sau khi bán 2 nhà máy

Về phía POM, tại Đại hội lãnh đạo ước tính giá trị của hai nhà máy góp vốn từ 6.000 - 6.800 tỷ, Công ty kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng từ pháp nhân mới sau khi đã trừ đi phần vốn góp theo kế hoạch. POM cho biết sẽ dùng số tiền thu hồi được từ pháp nhân mới để trả nợ cho ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) khoảng 3.757 tỷ đồng và trả nợ cho nhà cung ứng khoảng 1.343 tỷ đồng.

Đây là phương án tái cấu trúc mới sau khi POM tạm dừng kế hoạch huy động 700 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phần (hơn 20% vốn điều lệ) cho đối tác Nansei (Nhật Bản). Theo kế hoạch ban đầu, số tiền huy động được từ đợt bán vốn này sẽ được dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho Công ty.

Trong phương án tái cấu trúc lần này, ban lãnh đạo POM cũng cho biết, Pomina Phú Mỹ sẽ có quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của POM. Đồng thời, các bên cũng chấm dứt đăng ký kinh doanh của Nhà máy Pomina 1 và Nhà máy Pomina 3.

Đề xuất “góp” luôn Nhà máy Pomina 2, doanh thu nhà máy mới dự 14.000 – 15.000 tỷ đồng

Đáng chú ý, POM cũng đề xuất việc sát nhập cả Nhà máy Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao để giảm chi phí sản xuất. Theo POM, trước đây Công ty phải vận chuyển khí gang từ Phú Mỹ về Pomina 1 dẫn đến gang bị nguội. Trong khi phương án mới sẽ giữ được nhiệt độ cao hơn, do đó có thể giảm giá thành khoản 450.000 đồng/tấn, qua đó tăng cạnh tranh trên thị trường và giúp lợi nhuận các năm tới tăng lên. Khi hoàn tất Công ty sẽ giảm được giá thành và dự kiến chạy hết công suất, đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

Ông Đỗ Tiến Sĩ – Phó Chủ tịch HĐQT POM - ước tính doanh thu tại nhà máy Pomina Phú Mỹ có thể lên đến 14.000 – 15.000 tỷ đồng (chưa tính đến nguồn thu từ nhà máy Pomina 2).

Dự báo về thị trường thời gian tới, Chủ tịch POM cho biết nhu cầu thép cao hơn năm ngoái nhờ cú huých từ đầu tư công, nhưng bất động sản vẫn khó khăn. Trong khi, tác động của đầu tư công không mạnh như bất động sản. Do đó, ngành thép hiện đang hồi phục, nhưng chậm.

Nhà đầu tư mới chưa muốn công khai danh tính

“ Các con số trong tờ trình vẫn còn đang đàm phán để đến bước cuối cùng. Về phía nhà đầu tư, vẫn chưa muốn công khai danh tính. Vì vậy chưa công bố tên cụ thể. Sau khi đàm phán kết thúc, chúng tôi dự kiến công bố danh tính nhà đầu tư tại đại hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2024”, phía POM cho biết.

Tiết lộ về nhà đầu tư mới, Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho biết đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

“Khi chọn nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi cân nhắc khá nhiều khía cạnh, mang lại giá trị gia tăng cho công ty. Đó là mục tiêu chính. Chắc chắn rằng chúng tôi phải chọn nhà đầu tư phải cùng văn hoá công ty và có tính chính trực, và quan trọng nhất là có thể mang lại giá trị gia tăng cho công ty”, Chủ tịch POM nói thêm.