Ông chủ nước tương Con Mèo Đen: Tìm ra màu xanh trong 'thị trường đỏ', đưa doanh thu nội địa tăng 10 lần từ 2017, chào sân siêu thị Mỹ

Admin

Con Mèo đen có thể xem là “ông tổ” ngành nước tương Việt khi tồn tại đến nay đã hơn 7 thập kỷ, đặc biệt ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Sài Gòn cũ.

Ông chủ nước tương Con Mèo Đen: Tìm ra màu xanh trong 'thị trường đỏ', đưa doanh thu nội địa tăng 10 lần từ 2017, chào sân siêu thị Mỹ- Ảnh 1.

Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương và CTCP quốc tế LNS vừa công bố việc đưa sản phẩm nước tương lên kệ siêu thị tại Hoa Kỳ. Nam Dương lựa chọn “chào sân” thị trường này với 3 dòng sản phẩm gia vị, trong đó có nước tương với biểu tượng Con Mèo đen.

Con Mèo đen là thương hiệu được gọi là “ông tổ” ngành nước tương Việt Nam, tồn tại đến nay đã hơn 7 thập kỷ, đặc biệt ghi dấu trong lòng người tiêu dùng tại Tp.Hồ Chí Minh.

Năm 1951, tại Sài Gòn, một doanh nhân đặt xưởng nước tương có biểu tượng Con Mèo Đen tại bến Bình Đông. Thời điểm đó, thị trường có một nhãn hiệu nước tương nổi tiếng là Chuột Mickey. Con Mèo Đen ra đời như một tuyên ngôn cạnh tranh trên thị trường.

Thời thế đổi thay, nhiều thương hiệu mới ra mắt và chiếm lĩnh thị trường gia vị trong nước nhưng Nam Dương vẫn tồn tại. Đến năm 2015, Công ty có bước chuyển mình khi chính thức lập Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, trên cơ sở hợp tác liên doanh giữa Tập đoàn Wilmar International (Singapore) và Saigon Co.op (chuỗi siêu thị lớn nhất tại Việt Nam) với tổng vốn đầu tư là 25,6 triệu USD.

Trong đó, nhà máy của Nam Dương đặt tại khu CN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM đi vào hoạt động từ tháng 12/2017. Tổng năng lực sản xuất của nhà máy là 90.000 tấn cho các nhóm ngành nước sốt và gia vị như nước tương, tương ớt, tương cà, dầu hào, dầu dấm, hạt nêm, mayonnaise...

Đây là bước đi cho chiến lược khai phá thị trường nước ngoài. Cố gắng của Nam Dương đã không uổng phí khi nhà máy đáp ứng các quy định của Luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ (FSMA) cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng để thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Trước Hoa Kỳ, sản phẩm của Nam Dương đã thành công gia nhập nhiều thị trường lớn trên thế giới như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan, Úc, Nga…

Hiện, 10 - 12% doanh thu của Công ty đến từ xuất khẩu. Sản phẩm của Nam Dương hiện được phân phối ở Việt Nam, Lào, Campuchia với các thương hiệu như Nam Dương, Meizan, Neptune, Simply và hàng nhãn riêng trong các hệ thống siêu thị. Nam Dương cũng đã hợp tác với nhiều nhà nhập khẩu và phân phối quốc tế để xuất khẩu các sản phẩm dưới nhãn hiệu riêng hoặc nhãn hiệu thuộc Nam Dương sang nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan, Úc, Nga…

Với ký kết lần này, Nam Dương đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lên 20%.

Ông chủ nước tương Con Mèo Đen: Tìm ra màu xanh trong 'thị trường đỏ', đưa doanh thu nội địa tăng 10 lần từ 2017, chào sân siêu thị Mỹ- Ảnh 2.

Khi được hỏi tại sao thị trường gia vị trong nước rất màu mỡ nhưng Nam Dương lại chọn “xuất ngoại”, có phải e dè tính cạnh tranh… ông Dương cho biết: “Nhìn từ nhiều góc nhìn khác nhau thì phần lớn thị trường trong nước được đánh giá là thị trường đỏ. Nhưng với Nam Dương, trong đỏ có xanh, trong nguy có cơ. Nam Dương với góc nhìn từ người tiêu dùng vẫn nhìn thấy cơ hội trong nước, và chúng tôi xuất khẩu không phải vì thị trường trong nước chật hẹp.

Nam Dương đúng là đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng chiến lược là “đi để trở về”, tức đưa thương hiệu Nam Dương từ thương hiệu truyền thống trở thành thương hiệu đại diện gia vị Việt”.

Đến nay, thị trường trong nước vẫn đang đóng góp chính doanh thu cho Công ty. Hơn hết, sau khi đưa vào vận hành nhà máy, doanh thu nội địa của Nam Dương theo lãnh đạo đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2017.

Về thị trường nội địa, theo báo cáo của Euromonitor, quy mô thị trường gia vị tại Việt Nam có giá trị khoảng 33.500 tỷ đồng, trong đó 64% là đến từ phân khúc nước chấm. Cụ thể, nước mắm chiếm vị trí dẫn đầu với quy mô 15.000 tỷ đồng, tiếp theo là nước tương và tương ớt với quy mô lần lượt là 2.800 tỷ và 2.600 tỷ đồng.

Với sự phát triển của thị trường cùng tiềm năng to lớn, ngành gia vị đang chứng kiến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Các doanh nghiệp sản xuất gia vị ở Việt Nam có quy mô sản xuất đa dạng, từ các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình. Có thể kể đến Chinsu (Masan Consumer), Ajinomoto (Nhật), VEDAN, Cholimex, Miwon….