Những vụ hoả hoạn đau lòng: Thị trường đồ bảo hộ và khuyến cáo của chuyên gia

Admin

Hàng loạt vụ cháy nhà gây ra những cái chết thương tâm, khiến thị trường đồ bảo hộ thời gian qua khá sôi động.

Trang bị đồ bảo hộ chống cháy trong gia đình là cần thiết, song theo các chuyên gia, kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy còn quan trọng hơn để bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người thân.

Sống trong khu chung cư khu đô thị ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) hơn 10 năm nay, khi được hỏi “trong nhà có đồ phòng hộ không?”, chị Hoàng Hà trả lời: “Cả đời có ai nghĩ nhà mình bị cháy đâu mà chuẩn bị dụng cụ phòng hộ. Hiện gia đình mình chỉ có bình chữa cháy mini nhưng cả năm nay không động vào, không biết có sử dụng được nữa không. Nói thật là những vụ cháy gần đây khiến tôi hoảng sợ quá nên quyết định tìm mua đồ bảo hộ để phòng rủi ro”.

Dân sinh - Những vụ hoả hoạn đau lòng: Thị trường đồ bảo hộ và khuyến cáo của chuyên gia

Mặt nạ chống độc đang thu hút khách hàng (Ảnh Lao Động)

Không chỉ riêng chị Hoàng Hà, sau vụ hoả hoạn xảy ra Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người không khỏi lo lắng khi sống trong các khu nhà cao tầng và tìm mua đồ bảo hộ để phòng khi “nước xa không cứu được lửa gần”.

Theo khảo sát, thị trường mặt hàng bảo hộ chống cháy có nhiều sản phẩm với đủ mức giá khác nhau. Mặt nạ chống độc dao động từ 80.000 - 500.000 đồng/chiếc, có 2 loại là 1 phin và 2 phin.

Mặt nạ phòng độc của Mỹ giá từ 2 triệu đồng/chiếc. Bình chữa cháy công nghệ cao có giá 700.000 đồng/bình...

Thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây bằng cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động 90.000 - 150.000 đồng/m. Dây thoát hiểm xuất xứ từ Hàn Quốc có giá từ 3,6 - 4,9 triệu đồng/bộ.

Bình chữa cháy bột loại 1-8kg có giá 160.000 - 300.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3-5kg có giá 360.000 - 570.000 đồng/bình.

Dân sinh - Những vụ hoả hoạn đau lòng: Thị trường đồ bảo hộ và khuyến cáo của chuyên gia (Hình 2).

Dây thoát hiểm cũng được nhiều người quan tâm (Ảnh Lao Động).

Tại Hà Nội, mặt nạ phòng khói, phòng khí độc được bán phổ biến trong các cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy trên đường Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du... Sau hoả hoạn, các cửa hàng bán vật dụng phòng cháy trở nên nhộn nhịp.

Nhân viên cửa hàng thiết bị bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy số 1D Yết Kiêu cho hay: Rất hiếm khi khách hàng mua mặt nạ phòng khói để chuẩn bị sẵn trong nhà. Chủ yếu, mặt hàng mặt nạ phòng khói, phòng độc được bán số lượng lớn cho bộ phận công nhân phải thường xuyên tiếp xúc với sơn, than, khói độc, chất độc.

Chị Lê Ngọc Yến, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động trên đường Yết Kiêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mặt nạ chống khói, phòng độc gồm 1 hoặc 2 phin lọc than hoạt tính, không mũ trùm đầu cũng được nhiều người tìm mua. Mặc dù có giá bán không hề rẻ, dao động gần 7 triệu đồng trở lên, song dây thoát hiểm xuất xứ Hàn Quốc cũng trong tình trạng khan hiếm hàng.

Dân sinh - Những vụ hoả hoạn đau lòng: Thị trường đồ bảo hộ và khuyến cáo của chuyên gia (Hình 3).

Bình chữa cháy là vật dụng cần thiết trong gia đình.

Chủ cửa hàng ở Lê Duẩn (Hà Nội) bật mí, hiện nay hút hàng nhất là balo thoát hiểm. Loại này sẽ được đeo vào người và có dây cáp kéo bên trong, một đầu móc vào tường và người gặp nạn sẽ từ từ bám vào tường để tụt xuống dưới. Giá balo sẽ dao động từ 1 - 5 triệu đồng, tùy vào xuất xứ.

Chủ một cơ sở phân phối hàng bảo hộ lao động ở Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, với kết cấu gồm phần mũ làm từ chất liệu chống cháy, màng chắn bảo vệ mắt và phin lọc hoạt tính, chống khói, chống độc, mặt hàng "hot" này có giá bán từ 800.000 đồng.

Theo các chuyên gia cảnh báo, nhiều vụ cháy, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận bên trong cứu người do thiết kế nhà kín mít, khung sắt hàn nối chắc chắn với nhau. Mỗi gia đình nên sửa lại phần khung sắt này. Bằng cách làm thêm các bản lề, tạo ra cánh cửa sắt có thể đóng vào mở ra. Chìa khóa của cánh cửa này để ở nhiều nơi trong nhà, có thể lấy từ bất cứ chỗ nào để khi hỏa hoạn xảy ra, người trong đám cháy có đường thoát.

Những gia đình làm lồng sắt đặc biệt lưu ý, không được hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt tiền của căn nhà, để tạo điều kiện thuận lợi thoát hiểm. Phía tầng tum của ngôi nhà cũng không nên làm bịt kín, để các khoảng hở ra bên ngoài vừa có không khí lưu thông, vừa là một lối thoát khi có hỏa hoạn.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền địa phương, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Trả lời trên SK&ĐS, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho rằng, việc mua các thiết bị phòng cháy là cần thiết đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ nên chọn những thứ thật cần thiết chứ không nên mua theo trào lưu, rất tốn kém. Cần lưu ý là các mặt hàng như mặt nạ chống khói hay thang dây đều sẽ bị lão hóa khi để lâu. Chất liệu làm mặt nạ sẽ bị bết, dính lại, thang dây sẽ mục ra nếu để quá lâu không sử dụng. Đến khi xảy ra cháy, đem đồ đã hỏng ra sử dụng, có khi lại mắc thêm tai vạ.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Khải, phòng cháy là yếu tố quan trọng nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc. Khi xảy ra cháy, dùng nước để dập lửa là hiệu quả nhất. Khi thiết kế nhà, phải có hệ thống phun nước chữa cháy ở hành lang và trong nhà. Để khi có cháy, hệ thống này tự động phun nước là sẽ dập tắt được đám cháy. Các gia đình có thể trang bị bình CO2 được thiết kế giống như quả gấc. Khi nhiệt độ cao, tự nó sẽ nổ để dập tắt đám cháy. Nhưng với đám cháy lớn thì bình CO2 cũng không có giá trị.

Theo  gợi ý của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Tp.HCM, người dân cần trang bị 8 loại thiết bị, vật dụng để bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người thân. Cụ thể: 1. Đầu báo cháy. 2. Búa thoát hiểm. 3. Bình chữa cháy xử lý cháy ban đầu. 4. Bình dung dịch bọt. 5. Mặt nạ chống khói. 6. Thang dây inox. 7. Bộ thang dây thoát hiểm hạ chậm. 8. Mền chống cháy khổ 1,8m.

Nhận định về nguyên nhân các vụ cháy nổ, các chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, rất nhiều vụ xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn của hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Trong đó nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ giải trí (như quán bar, karaoke, vũ trường...) tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ nhưng chủ các cơ sở có tâm lý chủ quan, ngại tốn kém chi phí, chỉ trang bị để đối phó mỗi khi cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ. Trong khi hậu quả cháy nổ thường vô cùng nặng nề, gấp hàng trăm lần so với chi phí trang bị, lắp đặt, tập huấn phòng chống cháy nổ định kỳ hằng năm...

Theo các chuyên gia, để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả thương tâm, đau lòng và những mất mát, hy sinh, đã đến lúc công tác PCCC, phòng chống cháy nổ tại mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và các điểm kinh doanh cần phải được coi là nhiệm vụ sống còn, phải được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ngoài những trang thiết bị bắt buộc phải có theo quy định, lối thoát hiểm, cần nghiên cứu, xem xét, bắt buộc phải đầu tư, trang bị những trang thiết bị hiện đại, phù hợp hơn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra, nhất là về nhân mạng.

Ngoài ra, cần xử lý mạnh tay hơn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng thiếu các biện pháp an toàn để phòng ngừa, ngăn chặn; vi phạm pháp luật nghiêm trọng công tác PCCC.

Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người.

Trong năm 2021, theo thống kê, cả nước xảy ra 2.245 vụ cháy, làm 85 người chết, bị thương 130 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ 374,42 tỷ đồng.

M.Vy (tổng hợp từ SK&ĐS, Tuổi Trẻ, Tin Tức)